Theo Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, Chứng minh nhân dân chỉ có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.
Thêm vào đó, tại điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp đổi, cấp lại CMND.
Như vậy, nếu dùng CMND quá hạn 15 năm thì khi thực hiện cấp đổi CMND sang Căn cước công dân sẽ bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp đổi, cấp lại CMND theo quy định.
Do vậy, khi phát hiện CMND hết hạn người dân nên làm thủ tục cấp lại để đảm bảo tính hợp pháp khi thực hiện các giao dịch liên quan.
Thủ tục cấp đổi CMND sang Căn cước công dân
Theo Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014, CMND đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn, khi có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.
Theo quy định tại Luật Căn cước công dân 2014, Thông tư 11/2016/TT-BCA, Chứng minh nhân dân 9 số và 12 số theo mẫu cũ sẽ được cấp đổi sang thẻ Căn cước công dân.
Trình tự, thủ tục cấp thẻ được thực hiện như sau:
+ Công dân điền vào Tờ khai căn cước công dân
+ Trường hợp công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ thu, nộp, xử lý.
+ Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để in trên Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân và thẻ Căn cước công dân theo quy địn
+ Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục. Trường hợp hồ sơ, thủ tục chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn công dân hoàn thiện để cấp thẻ Căn cước công dân;
+ Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân và trả thẻ Căn cước công dân theo thời gian và địa điểm trong giấy hẹn. Nơi trả thẻ Căn cước công dân là nơi làm thủ tục cấp thẻ.
Trường hợp có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì công dân ghi cụ thể địa chỉ nơi trả thẻ tại Tờ khai căn cước công dân. Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ trả thẻ Căn cước công dân tại địa điểm theo yêu cầu của công dân bảo đảm đúng thời gian và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát theo quy định.
Do đó, CMND hết thời hạn sử dụng sẽ được cấp đổi sang Căn cước công dân. Khi chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân sẽ được cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.