Trường hợp nộp thừa thuế TNDN thì có được bù trừ sang kỳ sau không? Thủ tục bù trừ thuế TNDN năm 2024 như thế nào? Thẩm quyền giải quyết bù trừ thuế nộp thừa? Bài viết sau sẽ giải đáp những thắc mắc trên.
(1) Doanh nghiệp nộp thừa thuế TNDN thì có được bù trừ sang kỳ sau không?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 60 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa như sau:
Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền phải nộp thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Trường hợp người nộp thuế đề nghị bù trừ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ thì không tính tiền chậm nộp tương ứng với khoản tiền bù trừ trong khoảng thời gian từ ngày phát sinh khoản nộp thừa đến ngày cơ quan quản lý thuế thực hiện bù trừ.
Theo đó, trường hợp công ty có số tiền nộp thuế TNDN thừa thì được bù trừ với số thuế TNDN phát sinh phải nộp cùng tiểu mục của kỳ tiếp theo hoặc được hoàn trả số thuế TNDN nộp thừa theo quy định.
(2) Thủ tục bù trừ thuế TNDN năm 2024 như thế nào?
Tại Khoản 2 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định về trình tự, thủ tục bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa như sau:
Xét trường hợp bù trừ: Tại đây có 02 trường hợp:
- Trường hợp 01: Có khoản nộp thừa bù trừ với khoản nợ, khoản thu phát sinh được quy định lần lượt tại Điểm a.1, a.2, a.3 Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC thì không phải gửi hồ sơ đề nghị bù trừ khoản nộp thừa đến cơ quan thuế.
- Trường hợp 02: Thuộc Điểm a.4 Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC thì chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị bù trừ khoản nộp thừa, bao gồm:
+ Văn bản đề nghị xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo mẫu.
+ Các tài liệu liên quan (nếu có) đến cơ quan thuế có thẩm quyền xử lý khoản nộp thừa.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/11/mau-de-nghi.doc Mẫu Văn bản đề nghị xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
Cơ quan Thuế tiếp nhận hồ sơ:
Tại đây, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị bù trừ khoản nộp thừa của người nộp thuế, cơ quan thuế đối chiếu khoản nộp thừa, khoản nợ, khoản thu phát sinh tại văn bản đề nghị của người nộp thuế với dữ liệu trên hệ thống quản lý thuế. Theo đó, sẽ có 02 trường hợp như sau:
- Trường hợp 01: Khoản tiền được nêu tại văn bản đề nghị khớp với dữ liệu trên hệ thống quản lý thuế. Trường hợp này cơ quan thuế thực hiện bù trừ khoản nộp thừa với khoản nợ, khoản thu phát sinh theo đề nghị của người nộp thuế. Đồng thời, thông báo cho người nộp thuế có khoản nộp thừa đề nghị bù trừ và người nộp thuế có khoản nợ, khoản thu phát sinh được bù trừ biết.
- Trường hợp 02: Khoản tiền được nêu tại văn bản đề nghị không khớp. Cơ quan thuế sẽ ban hành Thông báo nêu rõ lý do không thực hiện bù trừ khoản nộp thừa gửi cho người nộp thuế.
Theo đó, người nộp thuế thuộc trường hợp này thì thực hiện theo trình tự như sau:
+ Giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu theo Mẫu số 01/TB-BSTT-NNT ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP rồi nộp lại cho cơ quan thuế.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/11/mau-giai-trinh-bo-sung.doc Mẫu số 01/TB-BSTT-NNT
+ Thời gian giải trình, bổ sung thông tin của người nộp thuế không tính vào thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị bù trừ khoản nộp thừa của cơ quan thuế.
Theo đó, khi nhận được thông tin giải trình, bổ sung của người nộp thuế khớp đúng với dữ liệu trên hệ thống quản lý thuế thì thực hiện bù trừ tương tự như tại trường hợp 01.
Trường hợp quá thời hạn giải trình, bổ sung hoặc đã giải trình, bổ sung nhưng vẫn không khớp thì cơ quan thuế sẽ ban hành Thông báo và nêu rõ lý do không thực hiện bù trừ khoản nộp thừa gửi cho người nộp thuế.
(3) Thẩm quyền giải quyết bù trừ thuế nộp thừa
Tại Khoản 3 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định thẩm quyền xử lý bù trừ khoản nộp thừa của cơ quan thuế như sau:
Cơ quan thuế quản lý trực tiếp:
- Thực hiện bù trừ trên hệ thống quản lý thuế khoản nộp thừa với khoản nợ, khoản thu phát sinh đối với những trường hợp được quy định tại Điểm a.1 và a.2 Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC.
- Tiếp nhận, giải quyết văn bản đề nghị đối với những trường hợp được quy định tại Điểm a.4 Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách Nhà nước:
- Thực hiện bù trừ trên hệ thống quản lý thuế khoản nộp thừa của người nộp thuế do cơ quan thuế quản lý thu thuộc trường hợp quy định tại Điểm a.1 và a.2 Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC.
- Tiếp nhận, giải quyết văn bản đề nghị đối với những trường hợp được quy định tại Điểm a.4 Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Cơ quan thuế quản lý địa bàn nhận phân bổ:
- Bù trừ trên hệ thống đối với những trường hợp được quy định tại Điểm a.1 và a.2 Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC do cơ quan thuế quản lý đối với khoản thu được phân bổ.
- Phối hợp với cơ quan thuế quản lý trực tiếp xử lý bù trừ khoản nộp thừa với khoản nợ, khoản thu phát sinh do nơi được hưởng khoản thu được phân bổ quản lý thu theo hướng dẫn tại Điểm a.4 Khoản 1 Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC.