Quy định về doanh nghiệp vay tiền của doanh nghiệp
1. Các hình thức vay tiền của doanh nghiệp
Trong hoạt động kinh doanh của mình, các doanh nghiệp có thể vay, và cho vay tiền giữa các doanh nghiệp. Những hình thức cho vay, và vay tiền của các doanh nghiệp được thể hiện dưới các hinh thức như:
– Mua hàng trả chậm, trả góp
– Vay có lãi
– Vay không có lãi
1.1 Mua hàng trả chậm, trả góp
Trường hợp mua hàng trả chậm, trả góp thường được thực hiện giữa các doanh nghiệp thông qua hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong hợp đồng mua bán quy định cụ thể thời gian trả tiền, có thể không quy định rõ hoặc có thể quy định rõ :
– Giá bán hàng hóa,
– Lãi trả chậm, trả góp
1.2 Cho vay có lãi
Theo quy định lại điều 4 khoản 8 điểm b Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:
“b) Hoạt động cho vay riêng lẻ, không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng.
Ví dụ 5: Công ty cổ phần VC có tiền nhàn rỗi tạm thời chưa phục vụ hoạt động kinh doanh, Công ty cổ phần VC ký hợp đồng cho Công ty T vay tiền trong thời hạn 6 tháng và được nhận khoản tiền lãi thì khoản tiền lãi Công ty cổ phần VC nhận được thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.“
Theo quy định trên, doanh nghiệp được dùng tiền nhàn rỗi của mình để cho doanh nghiệp khác vay. Việc cho vay được thực hiện thông qua một hợp đồng cho vay. Hợp đồng cho vay sẽ được quy định cụ thể số tiền, thời gian, cũng như lãi suất của khoản vay.
– Bên vay tiền được tính lãi vay vào chi phí sản xuất
– Bên cho vay, được thu lãi tiền vay, và coi như một khoản đầu tư tài chính
1.3 Cho vay không có lãi
Trong hoạt động của mình, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhau về vốn hoạt động, thông qua hợp đồng vay vốn không có lãi ( hay lãi suất bằng 0)
Việc cho vay này được thực hiện thông qua hợp đồng cho vay. Số tiền, thời gian vay, lãi suất các quy định khác được thể hiện trong hợp đồng cho vay. Vì khoản vay không có lãi, nên được coi như khoản phải thu từ doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp vay không hạch toán lãi vào chi phí kinh doanh. Doanh nghiệp cho vay không có thu nhập về tài chính
2. Hình thức chuyển tiền và thanh toán tiền vay giữa các doanh nghiệp
2.1 Mua hàng trả chậm
Cho vay thông qua hình thức mua hàng trả chậm, được thực hiện theo điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt của việc mua bán và thanh toán tiền hàng giữa các doanh nghiệp ( Quy định của Thông tư 219/2013/TT-BTC về thanh toán không dùng tiền mặt)
2.2 Cho vay
Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-BTC có quy định như sau về hình thức thanh toán trong giao dịch vay và cho vay giữa các doanh nghiệp:
“Điều 4. Hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng
Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (là các doanh nghiệp không thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng) khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau sử dụng các hình thức thanh toán được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.”
Vậy, điều 3 của Thông tư 09/2015/TT-BTC đã quy định thế nào về hình thức giao dịch vay, cho vay và trả nợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng. Đó là:
“Điều 3. Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác
Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
a) Thanh toán bằng Séc;
b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
Doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác bằng tài sản (không phải bằng tiền) thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.”
Căn cứ theo quy định trên, hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng không dùng tiền mặt mà bao gồm các hình thức thanh toán:
+ Thanh toán bằng Séc.
+ Thanh toán bằng UNC, chuyển tiền.
+ Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt khác.
3. Chứng từ đối với khoản lãi cho vay
Điều 4, Khoản 8, Điểm b Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định các đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:
“b) Hoạt động cho vay riêng lẻ, không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng.”
Điều 3, Khoản 7 Thông tư 26/2015/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTCnhư sau:
“a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:
“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).’’
Tại Công văn 4044/CT-TTHT ngày 29/5/2014 của Cục thuế TP. Hồ chí Minh, trả lời hướng dẫn về việc lập hóa đơn cho lãi tiền vay như sau:
“Trường hợp Công ty có tiền nhàn rỗi cho Công ty khác vay (không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên) thì khoản tiền lãi Công ty nhận được thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, khi thu tiền Công ty phải lập hóa đơn GTGT, trên hoá đơn ghi rõ thu lãi tiền vay dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch chéo.”
Kết luận:
– Lãi tiền cho vay, là đối tượng không chịu thuế GTGT, chỉ chịu thuế TNDN
– Tiền lãi thu từ cho vay tiền nhàn rỗi, hay đầu tư tài chính, thì phải xuất hóa đơn. Trên hóa đơn ghi rõ thu lãi tiền vay, dòng thuế xuất và tiền thuế gạch chéo
4. Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều 6, Khoản 2, Điểm 2.17 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:
“2.17. Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.”
Theo quy định trên, doanh nghiệp đi vay tiền của doanh nghiệp khác (không phải là tổ chức tín dụng) để được tính lãi vay vào chi phí được trừ khi khi xác định thuế TNDN, thì chi phí lãi vay không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.