Hiện nay Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Lao động 2019 không có quy định thế nào là hợp đồng cộng tác viên. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn loại hợp đồng này để ký với các bạn sinh viên năm cuối đã học xong, đang đợi bằng tốt nghiệp.
Sau khi ký hợp đồng cộng tác viên, các bạn sinh viên chính thức đi làm, thời gian làm việc 8 tiếng, một tuần làm việc 5 – 6 ngày, với mức hỗ trợ từ công ty khoảng 2-3 triệu đồng/tháng.
Vậy, trong trường hợp nêu trên, hợp đồng cộng tác viên có được xác định là hợp đồng lao động không? Và nếu có thì quyền lợi của người ký hợp đồng sẽ thay đổi như thế nào?
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Như vậy, nếu ký hợp đồng cộng tác viên, nhưng người lao động được giao công việc, được trả tiền công (tiền hỗ trợ), và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của doanh nghiệp (quản lý thời giờ làm việc, quá trình làm việc), thì trường hợp này được xem là ký hợp đồng lao động.
- Nếu hợp đồng cộng tác viên được xác định là hợp đồng lao động thì người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi luật định như sau:
+ Mức lương theo công việc hoặc chắc danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (Theo quy định tại khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019).
+ Được tham gia bảo hiểm xã hội, nếu hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 tháng trở lên (theo điểm a, b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
+ Được tham gia bảo hiểm y tế, nếu hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên (điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008, đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014).
+ Được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nếu hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên (theo khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013).