Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt kể từ thời điểm năm 2007 khi mà Việt Nam chính thức trở thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ và là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế quốc dân. Việc các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng đẩy mạnh các hoạt động đầu tư tại Việt Nam đã chứng minh cho tính hiệu quả của thể chế “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhằm đảm bảo cho sự ổn định của thị trường trong nước trước áp lực cạnh tranh càng khốc liệt cũng như siết chặt cơ chế quản lý đối với một số các sản phẩm thuộc các lĩnh vực đặc thù, cần đảm bảo các yếu tố nghiêm ngặt trong việc vận hành và dược phẩm là một trong những sản phẩm thể hiện rõ yếu tố trên. Như vậy, các doanh nghiệp FDI có được quyền phân phối dược phẩm tại Việt Nam hay không?
1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (hay gòn gọi là doanh nghiệp FDI) được quy định cụ thể tại Khoản 17 Điều 3 Luật Đầu tư 2014, theo đó ghi nhận:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
[...]
17. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông [..]”
Tại đây, căn cứ theo Khoản 16 Điều 3 Luật đầu tư 2014 thì tổ chức kinh tế được hiểu là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam trên cơ sở 100% vốn nước ngoài hoặc là doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có được quyền phân phối dược phẩm tại Việt Nam
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư 34/2013/TT-BCT thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chỉ được thực hiện quyền phân phối đối với hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này. Cụ thể, dược phẩm là một trong số 09 mặt hàng thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 3 nêu trên và thuộc vào trường hợp không được thực hiện quyền phân phối tại Việt Nam.
Mặt khác, tại Cam kết số 318/WTO/CK của Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về dịch vụ, thì dược phẩm không bao gồm các sản phẩm bổ dưỡng phi dược phẩm dưới dạng viên nén, viên con nhộng hoặc bột được loại trừ ra khỏi phạm vi cam kết. Theo đó, dược phẩm sẽ không được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phân phối tại Việt Nam.