Doanh nghiệp có được xuất hóa đơn lẻ khi bị cưỡng chế hóa đơn không?

Chủ đề   RSS   
  • #607317 07/12/2023

    Chloeee02

    Sơ sinh

    Vietnam
    Tham gia:07/12/2023
    Tổng số bài viết (22)
    Số điểm: 110
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Doanh nghiệp có được xuất hóa đơn lẻ khi bị cưỡng chế hóa đơn không?

    Doanh nghiệp có được xuất hóa đơn lẻ khi bị cưỡng chế hóa đơn không? Cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn được thực hiện trong trường hợp nào?

     

    Doanh nghiệp có được xuất hóa đơn lẻ khi bị cưỡng chế hóa đơn không?

    Theo quy định tại điểm a2 khoản 2 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về cấp và kê khai xác định nghĩa vụ thuế khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh như sau:

    Cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh là hóa đơn giá trị gia tăng trong các trường hợp:

    - Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuộc các trường hợp sau:

    + Ngừng hoạt động kinh doanh nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế có phát sinh thanh lý tài sản cần có hóa đơn để giao cho người mua;

    + Tạm ngừng hoạt động kinh doanh cần có hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày cơ quan thuế thông báo tạm ngừng kinh doanh;

    + Bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

    Theo đó, tại điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:

    - Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn mà người nộp thuế có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì cơ quan thuế tiếp tục cho người nộp thuế sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh với điều kiện người nộp thuế phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước.

    Bên cạnh đó, căn cứ Mục 5 Công văn 5113/TCT-CS năm 2021 cũng hướng dẫn về việc sử dụng hóa đơn trong thời gian bị cưỡng chế như sau:

    - Trường hợp doanh nghiệp bị cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn có cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho nhiều khách hàng khác nhau thì khi đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh, doanh nghiệp được đề nghị một lần sử dụng nhiều hóa đơn điện tử và doanh nghiệp phải thực hiện nộp đủ số thuế phải nộp theo quy định hoặc nộp 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

    Như vậy, về cơ bản, khi doanh nghiệp bị cưỡng chế hóa đơn thì vẫn có thể sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân và các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục.

    Cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn được thực hiện trong trường hợp nào?

    Theo khoản 1 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định việc cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn được sử dụng trong các trường hợp sau:

    (1) Người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế mà không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019, cụ thể gồm các biện pháp sau:

    - Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản;

    - Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;

    - Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

    (2) Đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019 nhưng vẫn không thu đủ tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019, cụ thể:

    - Đối với các biện pháp cưỡng chế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019, căn cứ vào tình hình thực tế, cơ quan quản lý thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp;

    - Đối với các biện pháp cưỡng chế quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019, trường hợp không áp dụng được biện pháp cưỡng chế trước thì cơ quan quản lý thuế chuyển sang áp dụng biện pháp cưỡng chế sau;

    - Trường hợp quyết định cưỡng chế đối với một số biện pháp chưa hết hiệu lực nhưng không có hiệu quả mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin, điều kiện thì thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019.

    (3) Hoặc theo đề nghị của cơ quan hải quan.

    (4) Hoặc đã áp dụng các biện pháp này nhưng vẫn không thu đủ tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước

     
     
    2395 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận