Khi tham gia công đoàn, người lao động được hưởng những quyền lợi gì là thắc mắc của rất nhiều người. Tham gia là tự nguyện, nhưng hằng tháng đều phải đóng đoàn phí thì liệu rằng có nên tham gia hay không? Mình có phải là đối tượng được trợ giúp pháp lý khi gặp vấn đề về pháp lý hay không? Khi tham gia thì mình phải có trách nhiệm thế nào?
1. Đoàn viên công đoàn có thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý không?
Theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thì những người được trợ giúp pháp lý bao gồm:
- Người có công với cách mạng.
- Người thuộc hộ nghèo.
- Trẻ em.
- Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
- Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:
- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;
- Người nhiễm chất độc da cam;
- Người cao tuổi;
- Người khuyết tật;
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;
- Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;
- Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;
- Người nhiễm HIV.
Theo đó, nếu như đoàn viên công đoàn không thuộc các đối tượng trên thì không phải là đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này. Tuy nhiên, một trong những quyền lợi của đoàn viên khi tham gia công đoàn là sẽ được công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn.
Như vậy, đoàn viên công đoàn vẫn được công đoàn trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn.
2. Tham gia công đoàn, người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi gì?
Ngoài quyền lợi được công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn thì khi tham gia công đoàn, trở thành đoàn viên công đoàn, người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi khác theo Điều 18 Luật Công đoàn 2012 như:
- Yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.
- Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn; được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động; quy định của Công đoàn.
- Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm.
- Được Công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn.
- Tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch do Công đoàn tổ chức.
- Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.
Ngoài ra, tùy mỗi công đoàn cơ sở sẽ có những chính sách danh riêng cho đơn vị mình, đoàn viên có thể được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn so với quy định ở trên.
3. Ngoài quyền lợi, tham gia công đoàn người lao động phải có trách nhiệm gì?
Trách nhiệm của đoàn viên công đoàn theo Điều 19 Luật Công đoàn 2012 như sau:
- Chấp hành và thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết của Công đoàn; tham gia các hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
- Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
- Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, lao động có hiệu quả và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức công đoàn.