Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm
Tôi là người ít chữ, hơn mười lăm năm cầm bút lông vẫn chưa thông nước cản, mấy năm qua bỏ thời gian và bút mực lâm mô bi thiếp của cổ nhân, bái khắp chư nhân, từ người đức cao vọng trọng đến bạn hữu, thậm chí cả những người em kém tuổi mình đến nửa giáp, nhưng học hành nghiêm cẩn… làm thầy! Chẳng mong học hành được ve vẩy quạt tàu, mà cốt để thỏa cái chí cầu học của mình, cho khuất lấp những chỗ ngu muội trống tuếch trong đầu.
Đã nhiều năm qua, mỗi khi tết đến xuân về ra vỉa hè Văn Miếu ngồi viết chữ, trong lòng năm nào cũng nhiều nỗi buồn hơn niềm vui. Thân áo vải chẳng biết làm gì, ăn cướp chẳng đủ tài, ăn mày không ai tin, đành gượng cầm bút làm nghề viết chữ, nói như người anh đồng hương là, lấy chữ nghĩa làm con đường tiến thân lương thiện trong thời buổi bấn loạn này, song, có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Chả tốt đẹp gì khi đem cái xấu của người khác ra bàn, nhưng không nói ra thì cũng là việc tự xỉ nhục mình. Thôi thì biết là tạo nghiệt, vẫn phải có mấy lời.
Từ SAI LẦM của người xin chữ…
1. Dân ta, kể từ khi bớt lo chuyện ăn no mặc ấm, đã nghĩ đến việc ăn ngon mặc đẹp, thì cũng sính ba chuyện lễ nghĩa cho diêm dúa cửa nhà, mới sinh ra cái thú xin chữ đầu năm ồ ạt và hỗn loạn như bây giờ.
Chứ tục xin chữ và cho chữ ngày xưa không dễ dàng và rẻ bọt như giờ. Đó cũng là điều đáng quý. Nhưng cái đáng nói và đáng buồn lại nằm ở chỗ, dân mình hễ thấy đầu râu tóc bạc là nghĩ rằng, ấy là những vị học vấn có thâm niên, là bậc túc nho khả kính, là nhân sĩ đương thời, là học sĩ sót lại của một thời quá vãng v.v… Xin thưa, chỉ không đến 1% số ấy là như thế, còn lại ư… hãy đến các lớp dạy chữ Hán, dạy viết thư pháp, để hiểu hơn về các cụ, chứ nói ra chỉ tạo thêm ngôn nghiệp, lại mắc thêm tội bất kính với người già.
Lý do ư? Kể từ năm 1919, khi nền khoa bảng của nước Nam đã hủy diệt, dành sân cho chữ quốc ngữ [latin] với nền tân học âu hóa, kể như số người theo học chữ Hán đã rơi vãi đi không biết bao mà kể. Kẻ có thực học khi ấy, hoặc vì quan điểm chính trị bị thủ tiêu, hoặc chuyển dần sang chữ tây để thức thời mà tồn tại, lại thêm một lần vơi vãi đi ít nữa. Hai cuộc chiến tranh khốc liệt của dân tộc, cũng thiêu rụi đi những vết tích vàng son của nền cổ học. Tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng các nước thuộc Đông Âu cũ cấp tốc được nhồi nhét, để kịp thời bổ túc cho các trí thức du học, chủ yếu là các ngành về khoa học kỹ thuật, còn mấy ai học chữ Hán. Hòa bình lập lại, Hán Nôm Viện và một vài chuyên khoa về khoa học xã hội le lói cho dạy chữ Hán Nôm, kể ra có cũng hơn không, nhưng số phận của con chữ Thánh Hiền xem như đã rơi vào người trẻ thế hệ 7x, 8x…
Những học giả lớn tuổi am tường cổ học thực sự còn sót lại đến bây giờ, điểm trên đầu ngón tay. Giới tu hành như các tăng ni, cha cố v.v… ở trong môi trường đặc biệt còn có may mắn tiếp xúc với chữ nghĩa Hán Nôm nhiều, nên họ nhiều ít còn là một đại diện ít bị đứt quãng về học thuật phân môn này. Điểm qua loa vài ý nhỏ đó thôi, để chúng ta nhận diện rõ những vị đầu râu tóc bạc, họ là ai?! Hầu hết họ là những người mãi khi có tuổi mới đi học, hoặc tự học, và hiện thời cũng chỉ là học trò của những người trẻ đang dạy ở những nơi như Đền Đồng Cổ, Chùa Tảo Sách, Chùa Nhân Mỹ…
2. Nhầm lẫn giữ Thư Pháp với Thư Linh, Thư Phù là một điều chẳng những mù quáng mà còn dại dột.
Thư pháp là một đỉnh cao của nghệ thuật viết chữ, có lịch sử trên dưới 5000 năm của người Hán, nó là một thứ nghệ thuật vừa có tính kế thừa và tiếp biến về văn hóa, vừa có giá trị để tu thân cho người học tập nó. Những kiệt tác còn lại đến ngày nay qua thác bản bi ký là những đỉnh cao về nghệ thuật chữ viết, đạt đến tầm ổn định về thư thể, giàu có về tính thẩm mỹ, chứa đựng muôn hình vạn trạng những chắt lọc tinh túy từ các thể chữ có trước, cũng như những bút pháp của nhiều danh gia, nhiều đời… mới có được. Người đời này học thư pháp phải dùng những trước tác ấy để lâm tập theo, quá trình lâm tập ấy khi đạt đến mức độ hoàn thiện nhất định, mới có thể “xuất thiếp” [lối chữ của riêng mình] mà “Cho Chữ” người đời được.
Còn Thư Linh, Thư Phù là những loại chữ mang tính chất mê tín, như bùa chú, dấu triện của vua chúa [các loại bùa ngải, ấn đền Trần là 1 ví dụ]. Thứ đáng lên án là loại chữ “Thần thánh” giả mạo, xuất phát từ lòng tham, trí muội của người xin và sự vô liêm sỉ của người cho. Nó đẻ ra những trò như vô phúc thì xin phúc, nghèo hèn thì xin lộc, bất nhẫn thì xin nhẫn, học dốt thì xin đỗ đạt, đăng khoa v.v…Trò bịp bợm của nhiều cụ ra vỉa hè viết chữ, rằng chữ nó linh thiêng thế nọ thế kia, rồi bói toán dị đoan cũng nhét vào chữ nghĩa, đã lừa đảo không biết bao nhiêu người dân lành và các học sinh, sinh viên mỗi độ tết đến xuân về. Thực sự mong rằng, các cụ hãy cẩn trọng giữ mình. Không phải ai cũng đủ duyên mà học thứ chữ vuông này, lại không phải ai cũng có được cái phúc đức mà có được một tử vi nghệ thuật. Văn hóa xin chữ, cho chữ là một nét văn hóa mới bùng lên nhưng khá đẹp, song xét về hành vi và tâm thức xã hội thì, nó lại đang là một tệ nạn. Nhân đây, cũng thực sự mong người xin chữ cần thiết sự tỉnh táo khi xin chữ cho mình! [Minh chứng rõ ràng nhất và đáng buồn nhất hãy đọc báo để xem kết quả sát hạch các cụ đồ].
Đến MÊ LẦM của người cho chữ…
Người đọc sách thánh hiền mà quên đi câu “khôn văn khấn dại văn bia” hay “mua danh ba vạn bán danh ba đồng” thì uổng phí cho một đời đọc sách. Ấy là nói về những người đọc sách thánh hiền, có chữ để cho. Còn có biết bao nhiêu ông đồ ngoài kia chưa từng cầm cuốn sách nào gọi là “sách thánh hiền” cũng đang lều chõng tùng teng nơi vỉa chợ. Chữ cha ông để lại cốt để dạy người, giúp người dọn lòng, sửa tính, rèn chí, luyện tâm. Đó tuyệt đối không phải thứ để đùa, dẫu có thể để chơi!
Mỗi khi cho ai chữ gì, chí ít cũng nên kiểm điểm lại mình xem đã có chữ ấy hay chưa. Sự mê lầm về tiếng tăm, về những đồng bạc lẻ, về sự a dua a tòng mũ áo mang tính thời vụ, đã và đang tạo nghiệt một cách ngụp lặn trong mê lầm. Ta có thiếu gì cách để điền viên, để vui thú tao nhã, dẫu vẫn bằng chữ nghĩa. Ta có thiếu gì cách để mưu sinh, dẫu vẫn bằng con chữ. Nhưng nếu như đi lừa đảo người ta bằng thứ chữ nghĩa sai quấy, nguệch ngoạc, rồi phả vào đó sự mê tín dị đoan, thì chẳng khác chi điều nhà phật vẫn dạy là, nghiệp chồng lên nghiệp. Kẻ biết sai mà vẫn làm là kẻ tự dẫn mình vào địa ngục.
Và việc nên hay không nên sát hạch các ông đồ…
Nên. Rất nên. Chỉ có sát hạch mới giúp người dân không bị rước rác về nhà. Phải sát hạch mới tạo ra động lực học tập cho người chưa đủ trình độ cho chữ người khác. Phải sát hạch mới tạo ra sự lựa chọn cho nhân quần và góc nhìn cho dư luận. Song, việc sát hạch nếu làm không tốt, không kín kẽ, thì cũng là việc tạo nghiệt. Người học Nho mà không học được phép ứng xử với người khác thì cũng là thiếu sót lớn. Làm sao cho người đậu không huênh hoang tự đắc, kẻ rớt không chán nản tự ti, ấy mới là cái khó của kẻ làm giám khảo có tâm. Cách mạng trong việc đẩy lùi tệ nạn ấu lão tân cá mè một lứa, vàng thau lẫn lộn là một việc đáng làm. Nhưng nếu như vì việc đáng làm ấy mà lại tạo ra cái “phần thưởng” cho kẻ cơ hội nào đó đứng sau, thì cái đáng không còn là cái đáng nữa, mà vô tình dễ rơi vào cái bị phỉ báng. Tuy nhiên, nhìn vào thành phần ban giám khảo cuộc sát hạch về chữ Hán và thư pháp chữ Hán vừa rồi, chúng ta có thể tin tưởng và tin cậy ở kết quả. Nhiều người trong ban ấy là tiến sĩ ở viện nghiên cứu, là họa sĩ với vốn cổ học tinh thâm, là người học hành tân văn lẫn cổ văn lâu năm trong và ngoài nước… Cá nhân tôi tin tưởng họ, họ là những bậc thầy của tôi, mặc dù họ là người trẻ, có người còn rất trẻ!
Ngoài lề: Có người hỏi tôi rằng, tôi có đi thi sát hạch không? Tôi trả lời luôn: Không. Có vài lí do tôi không tham gia, mặc dù trước đó khi chưa có thông tin về sát hạch, tôi có gửi tên đăng ký tham dự viết chữ ở Hồ Văn, nhưng khi biết có sát hạch, tôi đã gọi điện xin rút. Những lí do đó là: 1. Tôi tự thấy mình không có nhiều chữ để đi thi. 2. Tôi không thích thi thố chỉ để có một chỗ để ngồi viết chữ. 3. Tôi quá bận về những việc khác đang làm.
Trong ba lí do ấy, lí do quan trọng nhất là lí do thứ nhất. Tự thấy mình ít chữ, bút pháp còn non nớt, dẫu mang tiếng cầm bút lâu năm. Tôi không lấy làm xấu hổ về điều đó, mà ngược lại, tôi thành tâm mong các cụ cũng hãy dũng cảm mà rút nếu thấy mình không đủ khả năng. Đừng vì điều gì đó rất nhỏ về cả danh lẫn lợi để không chiến thắng nổi chính bản thân mình. Cá nhân tôi có vài chữ mọn, dùng lâu ngày quen tay, nên cũng chưa quên, biết phận nên tự dọn chiếu qua Trung tâm Triển Lãm Giảng Võ ngồi đưa đẩy với mai đào. Bạn hữu ai rảnh du xuân, xin ghé uống trà, tán gẫu, và còn vài ý chưa nói hết ở bài này, có thời gian sẽ thưa thêm…@bài biên của bút lông đại học sĩ Trịnh Tuấn:)