Em chào anh thuonggia78 !
Em xin góp ý kiến tham gia vào chủ đề " DN làm gì để giữ được người tài giỏi và trung thành"của anh vì nó rất hay còn em là một sinh viên, hiểu biết không thể bằng các anh chị trên Dân luật nên tin là mình không có rinh nổi bức tranh của anh.
Qua kinh nghiệm thực tế sinh động nhất là ông anh trai vừa xin nghỉ việc và chấp nhận tạm thời thất nghiệp thay vì đi làm, em rút ra một số ý kiến chủ quan như sau:
Thứ nhất, người lãnh đạo chưa hẳn phải giỏi chuyên môn mà phải luôn giữ thái độ trân trọng nhân viên, coi nhân viên như người nhà trước khi tính đến những vấn đề đãi ngộ khác. Cầm một đồng lương trên tay mà người lao động bị coi thường, xúc phạm thì đồng lương ấy có nhiều mấy cũng không giữ chân được người lao động.
Ví dụ là thực tiễn diễn ra ở Viện công nghệ sinh học Việt Nam, tuy lương thấp nhưng các anh chị có trình độ cao, du học nước ngoài về dù lao động với đồng lương không xứng tầm nhưng họ vẫn làm nhiệt tình vì tiền không hẳn quan trọng nhất mà môi trường làm việc rất quan trọng, thái độ của sếp luôn ân cần, động viên như người nhà.
Còn lại, một số xí nghiệp Garco X, các nhân viên và lãnh đạo cấp cao đã nghỉ việc rất nhiều vì lãnh đạo chỉ trích, xúc phạm nhân viên. Và trong 1 phòng cao nhất của tổng công ty mà những người đầu não ra đi, thay vào đó là những sinh viên mới ra trường với vốn kinh nghiệm ít ỏi, khả năng hạn chế tiếp quản những công việc quan trọng của nhân viên cũ để lại.
Thứ hai, đó là vấn đề môi trường làm việc. Người tài là người có khả năng trong công việc tốt hơn so với người bình thường, cùng với sự cố gắng, nỗ lực, họ luôn muốn thể hiện khả năng bản thân, biết đánh giá khả năng bản thân và mong muốn tiến xa hơn nữa trong công việc. Một người giỏi sẽ không chỉ nhìn vào đồng lương trước mắt mà chọn việc mà họ nhìn những cơ hội thăng tiến khi bỏ công sức và đặt mục tiêu trong công việc.
Vậy muốn giữ họ, người lao động cần tạo ra một sân chơi lành mạnh với các cơ chế trong sạch, thông thoáng, phải công khai quyền lợi và hứa hẹn những cơ hội thăng tiến cụ thể để mọi người cạnh tranh phát triển bình đẳng. Sự công bằng giữa các nhân viên là vô cùng quan trọng. Một nhân viên giỏi trải qua rất nhiều quá trình mới được chỉ định vào phòng kinh doanh của một tổng công ty chẳng hạn, nhưng lại không dám cạnh tranh với một chị học Ngoại ngữ trúng tuyển trong phòng nhưng là con ông này cháu bà kia được. Khi người tài bị đối xử bất công, họ sẽ ra đi.
Thứ ba, đó là vấn đề đãi ngộ với nhân viên. Vấn đề lương bổng là quan trọng sau những vấn đề đã nêu ra phía trên. Dù thế nào, người lao động nói chung và người tài nói riêng cần nhận được khoản tiền và các chính sách ưu đãi khác tương đương với những gì họ làm được. Như vậy sẽ kích thích họ phát huy khả năng hơn là việc đưa ra một con số cụ thể đều đặn hàng tháng mỗi người được nhận với những giá trị năng suất lao động cho công ty khác nhau mỗi tháng. Hãy gắn bát cơm của họ với phần lợi nhuận thu được của công ty. Điều này sẽ là động lực cho họ thể hiện hết khả năng của mình, có trách nhiệm hơn với công việc khi gắn lợi ích của mình với lợi ích công ty.
Thứ tư, cũng quan trọng không kém các vấn đề nêu trên đó là vấn đề phát triển của người lao động, đặc biệt là việc giữ chân những người giỏi, đó là kèm theo việc kích thích họ làm việc, hãy tạo cho họ những thuận lợi và chế độ cụ thể trong việc phát triển bản thân. Đó là việc học, phát triển bản thân hơn nữa. Đây chắc chắn là một lợi thế mà không phải công ty nào cũng chú trọng khi giữ chân người tài, khiến họ thấy ở lại công ty vẫn là ưu tiên số một so với các cơ hội làm việc bên công ty khác. Họ là những người có trí tiến thủ, không chỉ muốn làm tại 1 công ty trả lương cao và cứ chôn chân ở đó mãi, họ cần một môi trường thuận lợi để học lên nữa. Hãy tạo điều kiện cho họ, điều này có lợi cho cả hai bên người lao động và người sử dụng lao động. Người sử dụng không chỉ giữ chân được người tài mà còn dự trữ, tạo thêm cho mình một nguồn lao động cao hơn, trí tuệ và chât lượng hơn.
Trên đây là ý kiến của em, em rất vui vì đã được đóng góp và xin dựa cột để nghe các thành viên khác trình bày quan điểm!
Thân ái!
chẳng có gì đáng quý bằng đam mê trong công việc!
Biệt danh : sâu róm
Yahoo: buihuyentb