Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, khi bị đơn là cá nhân chết mà quyền, nghĩa vụ không được thừa kế

Chủ đề   RSS   
  • #551161 02/07/2020

    TuyenBig
    Top 100
    Female
    Trung cấp

    Bắc Kạn , Việt Nam
    Tham gia:27/03/2018
    Tổng số bài viết (741)
    Số điểm: 27039
    Cảm ơn: 24
    Được cảm ơn 951 lần


    Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, khi bị đơn là cá nhân chết mà quyền, nghĩa vụ không được thừa kế

    Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, khi bị đơn là cá nhân chết mà quyền, nghĩa vụ không được thừa kế

    ThS. VÕ HOÀNG KHẢI, ThS. CHÂU THANH QUYỀN (TAND tỉnh Hậu Giang) - Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định nhiều trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, trong đó có trường hợp đình chỉ khi bị đơn là cá nhân chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, việc xác định nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay không, hiện có nhiều quan điểm khác nhau, cần có cách hiểu đầy đủ để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

    Đặt vấn đề

    Thực tiễn xét xử cho thấy, A khởi kiện B tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, lý do khởi kiện là các bên đã ký kết hợp đồng vay có thời hạn, hợp đồng được xác lập bằng văn bản. Quá trình thực hiện hợp đồng, A đã yêu cầu B thanh toán tiền gốc, lãi theo thỏa thuận nhưng B không thực hiện. Thực tế, B có rất nhiều tài sản, dự tính đủ, thậm chí là dư để thanh toán các khoản nợ cho A nếu A khởi kiện có căn cứ. Tuy nhiên, quá trình Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án, B chết nhưng quyền, nghĩa vụ của B không được thừa kế. Vấn đề đặt ra, hướng xử lý tình huống nêu trên được thực hiện như thế nào để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.

    1. Quy định của pháp luật

    Theo điểm a khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 quy định Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi “Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế”. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 74 BLTTDS năm 2015 “Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng”. Đồng thời, theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật bao gồm: (i) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; (ii) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; (iii) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    Song song đó, theo khoản 1 Điều 218 BLTTDS năm 2015 quy định “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.

    Ngoài ra, theo quy định tại Điều 622 BLDS năm 2015 “Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước”.

    Như vậy, trong trường hợp B (bị đơn) chết mà không có những người thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015 tham gia tố tụng thì theo điểm a khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Khi đó, A (nguyên đơn) không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp.

    2. Một số quan điểm

    Quan điểm thứ nhất cho rằng, từ quy định tại Điều 622 BLDS năm 2015 “… thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước”. Như vậy, nếu B có tài sản và đang thiếu nợ A thì tổng tài sản cộng lại của B sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mới thuộc về Nhà nước. Nhưng để xác định B có nghĩa vụ đối với A hay không thì cần phải có bản án, quyết định của Tòa án nhưng về mặt tố tụng (BLTTDS) A (nguyên đơn) không có quyền khởi kiện lại vụ án nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp. Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu nhưng khi áp dụng pháp luật phải tuân theo điểm a khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp nêu trên.

    Quan điểm thứ hai cho rằng, do B chết không để lại di chúc, không có người thừa kế theo pháp luật, tuy nhiên, do chưa xác định được “tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản” nên tài sản của B thuộc sở hữu Nhà nước theo Điều 622 BLDS năm 2015. Do đó, A vẫn có quyền khởi kiện lại vụ án, khi đó cần khởi kiện Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chủ thể nào nhân danh Nhà nước để tham gia tố tụng lại là vấn đề cần được nghiên cứu thêm.

    Quan điểm thứ ba cho rằng, mặc dù B không có người thừa kế nhưng thực tế có người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản, khi đó B vẫn có quyền khởi kiện cả Nhà nước và người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản.

    3. Ủy ban nhân dân các cấp là chủ thể bị kiện

    Quan điểm của tác giả, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 “Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền”. Và hầu hết các tài sản được công nhận cho cá nhân sẽ do chính quyền địa phương thực hiện.

    Ví dụ: Theo Điều 105 Luật Đất đai năm 2013 quy định về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: (i) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; (ii) Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam; (iii) Đối với những trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng mà thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thì do cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện theo quy định của Chính phủ.

    Như vậy, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Do đó, cần thống nhất rằng nếu B đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế thì căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án là đúng quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên thì cần hiểu theo hướng A vẫn có quyền khởi kiện lại vụ án liên quan đến việc A cho rằng B có nghĩa vụ đối với mình, khi đó việc xác định Ủy ban nhân dân các cấp là chủ thể bị kiện và nếu có người chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản của B cũng là chủ thể bị kiện. Đây là cách giải quyết có tình, có lý.

    **

    Từ những phân tích nêu trên, tác giả kiến nghị TANDTC có hướng dẫn pháp luật thống nhất theo hướng nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án, khi đó cần có hướng dẫn xác định chủ thể bị kiện một cách cụ thể.

    Theo Tạp chí tòa án

     
    2259 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận