Theo như quy định này thì những người như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, giảng viên chuyên ngành luật…đã có thời gian công tác lâu năm, kiến thức, kinh nghiệm về pháp luật rất lớn thì họ lại không được thành lập tổ chức hành nghề luật sư khi chưa có thời gian hành nghề như quy định tại Điều 32 Luật Luật sư năm 2012.
Những đối tượng trên theo quy định tại Điều 16 Luật Luật sư sửa đổi năm 2012 sẽ được miễn hoặc giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư.
“Điều 16. Người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư
1. Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư.
2. Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.
3. Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.”
Do đó, liệu có cần thiết khi Điều 32 không loại trừ những trường hợp này về điều kiện thời gian hành nghề để thành lập tổ chức hành nghề luật sư?
Thiết nghĩ quy định về thời gian hành nghề rất phù hợp và cần thiết đối với những người chưa có những trải nghiệm thực tế trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, chưa từng là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán,…nên cho dù họ được tham gia khóa đào tạo luật sư, được tập sự hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật nhưng vẫn thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Còn đối với những đối tượng quy định tại Điều 16 Luật Luật sư sửa đổi năm 2012 thì nên chăng không cần phải đáp ứng quy định về thời gian hành nghề 2 năm như quy định hiện hành?!