Điều kiện, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp

Chủ đề   RSS   
  • #616517 19/09/2024

    nguyenduy303
    Top 500
    Male
    Lớp 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (346)
    Số điểm: 2823
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 59 lần


    Điều kiện, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp

    Điều kiện sản xuất, kinh doanh và quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp quy định tại Nghị định 27/2021/NĐ-CP.

    1. Quy định điều kiện tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 27/2021/NĐ-CP thì giống cây trồng lâm nghiệp là một quần thể cây trồng lâm nghiệp có thể phân biệt được với quần thể cây trồng lâm nghiệp khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng.

    Để sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 27/2021/NĐ-CP:

    - Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở;

    - Sản xuất giống của loài cây trồng lâm nghiệp chính phải sử dụng vật liệu nhân giống từ giống, nguồn giống được công nhận.

    Đối với việc kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau theo quy định tại khoản 2 Điều 21:

    - Có địa điểm giao dịch hợp pháp;

    - Có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống, gồm:

    + Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống;

    + Hồ sơ, nhãn phù hợp quy định tại Điều 18, Điều 19 Nghị định này;

    + Các thông tin về vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng, thời gian giao nhận.

    Như vậy, tổ chức, cá nhân muốn sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên và trước khi sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sở tại các thông tin sau: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, số điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở.

    2. Sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp

    - Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 27/2021/NĐ-CP, sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp được thực hiện theo phương pháp nhân giống hữu tính và phương pháp nhân giống vô tính theo tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

    - Sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp bằng nuôi cấy mô phải sử dụng vật liệu nhân giống từ giống gốc hoặc giống phục tráng; giống gốc hoặc giống phục tráng sau 02 năm sử dụng nhân giống phải được phục tráng lại theo tiêu chuẩn quốc gia về phục tráng giống.

    Giống gốc cây trồng lâm nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này được hiểu là: giống được nhân lần đầu từ cây trội, cây đầu dòng của một giống đã được công nhận hoặc giống phục tráng (bao gồm: hạt giống, củ giống, rễ, thân, cành, mắt ghép, chồi hoặc mô, cây mô trong bình và cây con) để làm vật liệu nhân giống hoặc để xây dựng các vườn giống, rừng giống.

    Giống phục tráng theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này được hiểu là: giống được nhân từ cây trội, cây đầu dòng chọn lọc lại từ giống đã được công nhận và được áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm duy trì, khôi phục các tính trạng ban đầu của giống gốc, khắc phục hiện tượng giống thoái hóa, giảm sút năng suất, chất lượng.

    - Tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp có trách nhiệm bàn giao cho khách hàng hồ sơ liên quan đến lô giống theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định này khi xuất bán để sử dụng trong quá trình vận chuyển, lưu thông và sử dụng giống.

    Như vậy, việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp thực hiện theo quy định trên. Tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp do mình sản xuất, kinh doanh, việc vi phạm các quy định liên quan đến quản lý giống cây trồng lâm nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 14 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 07/2022/NĐ-CP).

    3. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp

    - Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp có quyền sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định này.

    -  Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp có nghĩa vụ sau theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này:

    + Tuân thủ đầy đủ quy định tại Điều 21 Nghị định này;

    + Thực hiện công bố phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng với sản phẩm sản xuất, kinh doanh theo quy định;

    + Thu hồi, xử lý giống cây trồng lâm nghiệp không bảo đảm chất lượng khi lưu thông trên thị trường;

    + Bồi thường thiệt hại theo quy định;

    + Cung cấp tài liệu minh chứng về nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp, tài liệu truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng lâm nghiệp;

    + Ghi nhãn đối với giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định này;

    + Báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp tại địa phương.

    Như vậy, khi thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, tổ chức và cá nhân sẽ có các quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định trên. Đồng thời, tại Điều 24 Nghị định này cũng quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp.

     
    46 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận