Trong hệ thống Viện kiểm sát có cơ quan gọi là Viện kiểm sát quân sự. Vậy cơ quan này có nhiệm vụ, quyền hạn gì? Điều kiện để được làm việc trong trong Viện kiểm sát quân sự là gì?
Viện kiểm sát quân sự là cơ quan nào?
Theo Điều 50 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát quân sự như sau:
- Các Viện kiểm sát quân sự thuộc hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong quân đội.
- Trong phạm vi chức năng của mình, Viện kiểm sát quân sự có nhiệm vụ:
+ Bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
+ Bảo vệ an ninh, quốc phòng, kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của quân đội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quân nhân, công chức, viên chức và người lao động khác trong quân đội; bảo đảm mọi hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm minh.
- Viện kiểm sát quân sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các mục 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9 và 10 Chương II của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 và kiểm sát thi hành án dân sự quy định tại Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014.
Như vậy, Viện kiểm sát quân sự không phải là một hệ thống riêng mà thuộc hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, được tổ chức trong quân đội để thực hiện các quyền kiểm sát trong quân đội.
Điều kiện để được làm việc trong Viện kiểm sát quân sự
Theo Điều 6 Thông tư 113/2015/TT-BQP quy định nguồn tuyển chọn cán bộ Viện kiểm sát quân sự là từ các nguồn sau:
- Quân nhân tại ngũ, công nhân viên quốc phòng; cán bộ, công chức, viên chức, công dân ngoài Quân đội có trình độ Tiến sĩ luật, Thạc sĩ luật hoặc đã tốt nghiệp cử nhân luật, hệ chính quy, loại khá trở lên.
Trường hợp tình nguyện đến công tác ở các đơn vị đóng quân trên địa bàn vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, có thể tuyển chọn tốt nghiệp cử nhân luật, hệ chính quy, loại trung bình.
- Quân nhân tại ngũ, công nhân viên quốc phòng, học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học trúng tuyển sinh đại học quân sự được tuyển chọn đi đào tạo đại học luật hệ chính quy.
- Những người có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh công tác trong Viện kiểm sát quân sự.
Đồng thời, theo Điều 7 Thông tư 113/2015/TT-BQP quy định tiêu chuẩn tuyển chọn cán bộ Viện kiểm sát quân sự như sau:
- Những người nằm trong nguồn tuyển chọn được quy định ở trên có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn vào đội ngũ cán bộ theo quy định của Bộ Quốc phòng;
- Có năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát quân sự;
- Không nói ngọng, nói lắp, không có khuyết tật ảnh hưởng tới yêu cầu nghề nghiệp;
- Có nguyện vọng phục vụ lâu dài tại Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Như vậy, không chỉ người trong quân đội mà những người ngoài quân đội cũng có thể được làm Kiểm sát viên trong Viện kiểm sát quân sự. Những điều kiện tuyển chọn cụ thể sẽ do Bộ Quốc phòng quy định, đồng thời người được tuyển chọn phải có năng lực, có nguyện vọng, không nói ngọng, nói lắp, khuyết tật ảnh hưởng đến yêu cầu nghề nghiệp.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp Viện kiểm sát quân sự?
Theo Điều 77 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp như sau:
Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự:
- Có thời gian làm công tác pháp luật từ 04 năm trở lên;
- Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
- Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Kiểm sát viên sơ cấp.
Trong đó, cụ thể quy định tại Điều 75 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 về tiêu chuẩn chung của Kiểm sát viên như sau:
- Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
- Có trình độ cử nhân luật trở lên.
- Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát.
- Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định.
- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Như vậy, sĩ quan quân đội đáp ứng các điều kiện trên và thực hiện những thủ tục theo quy định thì sẽ được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp.