Thỉnh thoảng, có bạn đặt câu hỏi với mình, làm sao để biết di chúc đó có hợp pháp hay không? Nhiều bạn hỏi, nên nhân tiện đây, mình giải đáp cho tất cả những ai đang thắc mắc.
Theo Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, di chúc được xem là hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
|
Điểm khác biệt lớn nhất của Bộ luật dân sự 2015 và Bộ luật dân sự 2005 về điều kiện để di chúc được xem là hợp pháp, đó chính là “…nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật…” và “…nội dung di chúc không trái pháp luật…”
Về bản chất và cách áp dụng đối với quy định này là hoàn toàn khác nhau, và trên thực tế, để xem nội dung của di chúc đó có vi phạm điều cấm của luật dễ dàng hơn so với xem nội dung đó có trái pháp luật hay không.
Tạm gác qua sự khác biệt nói trên, mà nói rõ về từng điều kiện để di chúc được xem là hợp pháp nêu trên.
Thứ nhất, về năng lực chủ thể của người lập di chúc
- Phải là người thành niên (tức từ đủ 18 tuổi trở lên)
- Đang trong tình trạng minh mẫn, sáng suốt khi thực hiện lập di chúc (nghĩa là đây không phải là người bị mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi)
Đặc biệt là khi lập di chúc không bị lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép.
Thứ hai, về nội dung của di chúc
- Di chúc phải bao gồm các nội dung chính yếu sau:
+ Ngày, tháng, năm lập di chúc;
+ Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
+ Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
+ Di sản để lại và nơi có di sản.
Ngoài các nội dung trên, di chúc có thể có các nội dung khác.
Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
Lưu ý: Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Thực tế, để xác định nội dung của di chúc đó có vi phạm điều cấm của luật không dễ hơn so với việc xác định nội dung di chúc đó có trái với đạo đức xã hội không, vì việc xác định trái đạo đức xã hội thiên về ý kiến chủ quan, cảm nhận của người đưa ra phán xét.
Thứ ba, về hình thức của di chúc
Có thể bằng văn bản hoặc bằng miệng
- Di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có công chứng; di chúc bằng văn bản có chứng thực.
- Di chúc bằng miệng được dùng khi tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản.
Lưu ý: Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Cập nhật bởi nguyenanh1292 ngày 29/01/2018 03:01:09 CH