Điều kiện để cá nhân được phép khám, chữa bệnh và các trường hợp bị cấm hành nghề khám, chữa bệnh

Chủ đề   RSS   
  • #610303 05/04/2024

    nguyenduy303
    Top 500
    Male


    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (296)
    Số điểm: 2159
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 53 lần


    Điều kiện để cá nhân được phép khám, chữa bệnh và các trường hợp bị cấm hành nghề khám, chữa bệnh

    Điều kiện để cá nhân được phép khám bệnh, chữa bệnh; các trường hợp bị cấm hành nghề khám, chữa bệnh được quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023.

    1. Các điều kiện để cá nhân được phép khám bệnh, chữa bệnh

    Tại khoản 1 Điều 19 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định cá nhân được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

    - Có giấy phép hành nghề đang còn hiệu lực;

    - Đã đăng ký hành nghề, trừ những trường hợp không phải đăng ký hành nghề theo quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật này;

    - Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 21 của Luật này;

    - Có đủ sức khỏe để hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

    - Không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 20 của Luật này, bao gồm:

    + Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.

    + Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.

    + Đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

    + Đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

    + Đang trong thời gian bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc bị hạn chế thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

    + Mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

    Như vậy, nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì cá nhân được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, đối với những cá nhân sau chỉ cần đáp ứng điều kiện có đủ sức khỏe để hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế và không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định thì sẽ được khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 bao gồm:

    - Học viên, sinh viên, học sinh đang học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, người đang trong thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề, người đang trong thời gian chờ cấp giấy phép hành nghề và chỉ được khám bệnh, chữa bệnh dưới sự giám sát của người hành nghề;

    - Nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản hoặc nhân viên y tế làm việc tại y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức mà không thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi hoạt động và sau khi đã hoàn thành chương trình đào tạo theo nội dung chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;

    - Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 115 của Luật này;

    - Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Chính phủ.

    Đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có giấy phép hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt, hợp tác đào tạo về y khoa có thực hành khám bệnh, chữa bệnh hoặc chuyển giao kỹ thuật chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 mà không cần đáp ứng điều kiện về giấy phép hành nghề đang còn hiệu lực và điều kiện đã đăng ký hành nghề theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 19 Luật này.

    Đối với người tham gia cấp cứu tại cộng đồng mà không phải là cấp cứu viên ngoại viện thì không phải đáp ứng các điều kiện theo quy định nêu trên.

    Như vậy, tùy vào từng trường hợp, đối tượng cá nhân cụ thể mà điều kiện để được phép khám bệnh, chữa bệnh sẽ là khác nhau, riêng đối với người tham gia cấp cứu tại cộng đồng mà không phải là cấp cứu viên ngoại viện thì không phải đáp ứng các điều kiện theo quy định nêu trên, còn về nguyên tắc thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định mới được phép khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam.

    2. Các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

    Tại Điều 20 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm:

    - Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.

    - Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.

    - Đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

    - Đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

    - Đang trong thời gian bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc bị hạn chế thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

    - Mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

    Như vậy, quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã nêu rõ các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, so với quy định trước đây tại Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì chưa quy định nội dung này. 

    3. Quy định cập nhật kiến thức y khoa liên tục

    Tại khoản 1 Điều 22 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định người hành nghề thuộc một trong các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng có trách nhiệm cập nhật kiến thức y khoa liên tục phù hợp với phạm vi hành nghề. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tạo điều kiện để người hành nghề được cập nhật kiến thức y khoa liên tục.

    Theo đó, các hình thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục bao gồm:

    - Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, hội nghị, hội thảo về y khoa phù hợp với phạm vi hành nghề;

    - Tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh;

    - Thực hiện các nghiên cứu khoa học, giảng dạy về y khoa thuộc phạm vi hành nghề;

    - Tự cập nhật kiến thức y khoa và các hình thức khác.

    Các hình thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục này được hướng dẫn cụ thể từ Điều 4 đến Điều 7 Thông tư 32/2023/TT-BYT.

    Như vậy, việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục đã được quy định trong Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023, về thời gian cập nhật kiến thức y khoa liên tục được quy định tại Điều 3 Thông tư 32/2023/TT-BYT. Bên cạnh đó, Thông tư 32 cũng quy định việc quy đổi sang giờ tín chỉ và giấy chứng nhận tham gia cập nhật kiến thức y khoa liên tục cũng như trách nhiệm của cơ sở cập nhật kiến thức y khoa liên tục.

     
    25 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận