Nhà đầu tư nước ngoài có thể đăng ký đầu tư kinh doanh lĩnh vực bệnh viện và khám chữa bệnh không? Nếu có thì điều kiện là gì? Thủ tục đầu tư kinh doanh bệnh viện thực hiện ra sao?
Nhà đầu tư nước ngoài có thể đăng ký đầu tư kinh doanh lĩnh vực bệnh viện và khám chữa bệnh không?
Căn cứ Phụ lục I Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư thì hoạt động đầu tư trong lĩnh vực khám chữa bệnh không thuộc ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài do đó nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư lĩnh vực này.
Ngoài ra, khi đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý quy định tại Cam kết số 318/WTO/CK của Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về dịch vụ. Theo Cam kết này thì dịch vụ bệnh viện (CPC 9311), Các dịch vụ nha khoa và khám bệnh (CPC 9312) thì có yêu cầu về việc hiện diện thương mại như sau:
- Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.
- Vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu đô la Mỹ, bệnh xá đa khoa (policlinic) là 2 triệu đô la Mỹ và cơ sở điều trị chuyên khoa là 200 nghìn đô la Mỹ.
Đồng thời, theo Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ban hành kèm Luật đầu tư 2020 thì khám chữa bệnh là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó hoạt động lĩnh vực này cần đáp ứng điều kiện luật định. Bạn có thể xem thêm bài viết Điều kiện kinh doanh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh
Thủ tục đầu tư kinh doanh bệnh viện của nhà đầu tư nước ngoài
Căn cứ Điều 22 Luật đầu tư 2020 thì trước khi thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và thực hiện xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo hướng dẫn tại Điều 37, 38 Luật này, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết về Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký doanh nghiệp.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể nộp hồ sơ theo cơ chế liên thông để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đồng thời với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Bạn có thể xem thêm nội dung này tại bài viết Trường hợp nào có thể thực hiện cơ chế liên thông thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài?
Ngoài ra, nếu dự án thuộc trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư tại Điều 30 đến Điều 32 Luật đầu tư 2020 thì phải thực hiện xin chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng dẫn từ Điều 33 đến Điều 36 Luật này.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, để thực hiện kinh doanh trong lĩnh vực khám chữa bệnh, doanh nghiệp cần tiến hành xin thêm giấy phép đủ điều kiện kinh doanh
Khám chữa bệnh là ngành nghề có điều kiện do đó cần xin cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Về thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bạn tham khảo thêm bài viết Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động của bệnh viện? Các điều kiện đối với Bệnh viện thực hiện khám sức khỏe và cấp Giấy chứng nhận sức khỏe?
Hi vọng các thông tin trên hữu ích đối với bạn!