Trước nhu cầu vay – mượn tài sản phổ biến, đã phát sinh các vấn đề về nợ cùng các hình thức kinh doanh liên quan. Mua bán nợ, đòi nợ là những thuật ngữ thường xuyên xuất hiện, tuy nhiên, đây là hai hình thức khác biệt cần phân biệt rõ để thực hiện đúng quy định pháp luật về thu hồi nợ, tránh những rủi ro không đáng có.
Để làm rõ vấn đề, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số khái niệm cơ bản nợ là gì, pháp luật có cho phép kinh doanh dưới hình thức thu hồi nợ là mua bán nợ và đòi nợ không. Nợ được hiểu là số tiền một cá nhân, công ty hay các chủ thể khác đã vay người khác. Các khoản nợ thường hay phát sinh từ việc vay tiền để mua hàng hóa, dịch vụ hoặc tài sản chính. Các chứng chỉ nợ là bằng chứng để lấy lại số tiền cho vay, bao gồm cả lãi suất trong thời hạn vay. Hay theo Nghị định 69/2016/NĐ-CP quy định “Nợ là nghĩa vụ trả tài sản của bên nợ đối với chủ nợ được thể hiện trong hợp đồng hoặc phát sinh quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật”.
Dịch vụ mua bán nợ là gì?
Theo quy định tại Điều 450 Bộ luật dân sự 2015 quy định về mua bán quyền tài sản “Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả”. Theo quy định này, pháp luật thừa nhận quyền đòi nợ là một quyền tài sản, được phép tham gia giao dịch dân sự, trong đó có việc các chủ thể có quyền được thực hiện mua bán nợ với nhau. Dưới góc độ pháp lý, việc mua bán nợ được hiểu là bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến việc đòi nợ cho bên mua nợ
Theo quy định tại Nghị định 69/2016/NĐ-CP, khái niệm mua bán nợ được hiểu “là việc bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ và bên mua nợ trả tiền cho bên bán nợ”. Đây là hoạt động giao dịch kinh tế – tài chính để trao đổi và chuyển nhượng lại “quyền thu hồi nợ” từ cá nhân này sang cá nhân khác, doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, tổ chức này sang tổ chức khác…
Dịch vụ đòi nợ là gì?
Dịch vụ đòi nợ, là việc cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn, công ty thực hiện một hành vi đòi nợ con nợ theo yêu cầu của chủ nợ, cụ thể là hoạt động đại điện chủ nợ hoặc khách nợ để quản lý, xác định và tư vấn các vấn đề liên quan đến xử lý nợ. Dịch vụ đòi nợ thuê được pháp luật thừa nhận, bảo vệ và được quy định ở Nghị định 104/2007/NĐ-CP.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đòi nợ biến tướng không tuân thủ điều kiện kinh doanh cũng như quy định pháp luật có liên quan làm phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực, ảnh hưởng đến xã hội. Chính vì vậy, Luật Đầu tư 2020 đã đưa ngành nghề "Kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, chính thức loại bỏ hình thức kinh doanh này.
Như vậy, hiện nay kinh doanh dịch vụ đòi nợ không phải là hình thức kinh doanh hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế nhiều công ty đòi nợ thuê đã đổi tên thành công ty mua bán nợ, có thể coi đây là một sự biến tướng. Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu thực tế trong xã hội, khi chuyện vay mượn nợ nhau rồi mất khả năng thanh toán hoặc chây ì không trả nợ vay vẫn còn xảy ra nhiều. Trong khi đó, việc đòi nợ hợp pháp bằng con đường khởi kiện tại tòa án lại kéo dài thời gian, mất thêm công sức, tiền của nhưng đến khi thắng kiện thì chưa chắc lấy lại được tiền vì người nợ không có tài sản để thi hành án.