Thưa ông, hiện nay pháp luật có bảo vệ bí mật của các tin nhắn của các thuê bao điện thoại di động không? Trường hợp sao chép tin nhắn của người khác có phạm luật?
|
Pháp luật quy định rõ về việc bảo vệ quyền đời tư, bí mật cá nhân. Việc 'lạm quyền' của các nhà mạng cần được xem xét |
- Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Khoản 3, Điều 38 Bộ luật dân sự 2005 quy định rõ “thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.” Như vậy, tin nhắn của các thuê bao điện thoại di động phải được bảo vệ án toàn và bí mật. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu bằng hình thức sao chép tin nhắn của người khác khi chưa được người đó cho phép là phạm luật.
* Qua số tổng đài 18001091 của Vinaphone, chúng tôi bấm số 9191 được nhân viên số 151 của nhà mạng này hướng dẫn nhiệt tình: “Chỉ cần 2 thuê bao mạng Vinaphone, dùng máy muốn copy soạn tin nhắn SCON gửi đến 9335 để đăng ký dịch vụ. Sau đó, cần copy tin nhắn gửi đến số máy nào thì nhắn SCT SĐT (số điện thoại) gửi 9335, còn nhận tin nhắn gửi đi soạn SCD SĐT gửi 9335”.
Cũng theo nhân viên trên, sử dụng dịch vụ này không mất tiền thuê bao tháng, tin nhắn ngoại mạng 350 đồng/tin, nội mạng 290 đồng/tin. “Theo Công văn số 1189 thì Vinaphone áp dụng từ 20.4.2011. Bên em triển khai lâu rồi và không qua công ty trung gian nào cả” - nhân viên này nói thêm.
Sau khi chúng tôi làm đúng như những gì hướng dẫn, chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút, tất cả những tin nhắn gửi đi, gửi đến số của thuê bao thử nghiệm, đã được chuyển đến một số máy thứ ba cùng một thời điểm và không kèm theo bất cứ thông báo nào chứng tỏ tin nhắn trên đã được chuyển đến một số máy khác. Trong khi đó, số máy thứ ba nhận được tin nhắn lại kèm theo cả số điện thoại của người gửi tới. (Nguồn: Thanh Niên)
* Một lãnh đạo của Vinaphone cho rằng dịch vụ này được cung cấp với mục đích giúp những khách hàng sử dụng nhiều thuê bao thuận tiện hơn trong việc quản lý thông tin của mình. Tuy nhiên, vị này thừa nhận việc đăng ký sử dụng dịch vụ quá đơn giản nên có thể bị lợi dụng cho những mục đích xấu. Tiếp nhận những phản ánh của Thanh Niên, phía Vinaphone khẳng định sẽ có điều chỉnh, kể cả khả năng tạm ngừng dịch vụ trong thời gian sớm nhất (Nguồn: Thanh Niên)
|
Vậy người có hành vi sao chép, sử dụng tin nhắn của chủ thuê bao di động khác là phạm luật. Tuy nhiên việc vi phạm này được thực hiện một cách dễ dàng qua việc dùng điện thoại, thuê bao của người khác để đăng ký dịch vụ sao chép tin nhắn qua thuê bao của mình. Điều này có trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ không?
- Dĩ nhiên là việc sao chép tin nhắn từ thuê bao người khác qua thuê bao của mình có sự “giúp sức” của nhà cung cấp dịch vụ thuê bao di động. Việc để người khác dễ dàng trong việc thực hiện đăng ký dịch vụ sao chép tin nhắn mà không xác nhận người sử dụng dịch vụ sao chép thông tin có phải là chủ thuê bao là không được.
Ông có thể nói rõ trách nhiệm cụ thể của nhà cung cấp dịch vụ di động khi sử dụng thông tin của khách hàng là như thế nào?
- Điều 21 Luật Công nghệ thông tin quy định rõ trường hợp thu thập, xử lý thông tin cá nhân trên môi trường mạng. Theo đó, tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng phải được người đó đồng ý và có trách nhiệm: Thông báo cho người đó biết về hình thức, phạm vi, địa điểm và mục đích của việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người đó; Sử dụng đúng mục đích thông tin cá nhân thu thập được và chỉ lưu trữ những thông tin đó trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận giữa hai bên; Tiến hành các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá huỷ; Tiến hành ngay các biện pháp cần thiết khi nhận được yêu cầu kiểm tra lại, đính chính hoặc hủy bỏ; không được cung cấp hoặc sử dụng thông tin cá nhân liên quan cho đến khi thông tin đó được đính chính lại.
Với hàng loạt trách nhiệm như thế, điều đương nhiên là tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin (tin nhắn) của khách hàng phải xác nhận xem có được chính khách hàng xem họ có đồng ý không, nghĩa là phải xác định rõ, chính xác người đang thực sự đăng ký dịch vụ sao chép tin nhắn có phải là chủ thuê bao hay không, không thể có chuyện bất kỳ ai dùng số thuê bao đó cũng đương nhiên coi là chính chủ thuê bao được.
Vậy còn chế tài đối với việc sao chép nội dung tin nhắn của người khác được quy định như thế nào, thưa ông?
- Luật Công nghệ thông tin 2006 cấm hành vi làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng. Theo Điều 6 Nghị định
63/2007/NĐ-CP thì sẽ phạt từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng mà không được sự đồng ý của người đó; Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác mà không thông báo cho người đó biết hình thức, phạm vi, địa điểm và mục đích của việc thu thập, xử lý, sử dụng thông tin đó; Sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng sai mục đích đã thông báo cho người đó; Không kiểm tra lại, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin cá nhân của người khác lưu trữ trên môi trường mạng trong quá trình thu thập, xử lý, sử dụng thông tin khi có yêu cầu của chủ sở hữu thông tin đó ...
Luật Viễn thông 2009 cũng quy định cấm hành vi thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác. Và theo quy định của Nghị định số
83/2011/NĐ-CP, thì chế tài đối với hành vi vi phạm như trên tùy trường hợp sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, ngoài ra còn bị buộc chấm dứt sử dụng dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ đối với hành vi vi phạm.
Không chỉ dừng lại ở xử lý hành chính, Điều 125 Bộ luật hình sự còn quy định người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Có thể bị phạt đến hai năm tù nếu phạm tội trong các trường hợp: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm.
Ông đánh giá như thế nào của vấn đề an toàn, bí mật thông tin trên môi trường mạng vốn không còn cũ nhưng vẫn có những điều còn rất bỡ ngỡ này?
Vấn đề bảo đảm an toàn, bí mật thư tín, điện tín đã được quy định từ lâu. Hiện nay, thư tín, điện tín, thông tin điện tử có những quy định thuộc các văn bản pháp luật điều chỉnh khác nhau. Ví dụ như Luật Bưu chính năm 2010 có quy định “Thư là thông tin trao đổi dưới dạng văn bản viết tay hoặc bản in, có địa chỉ nhận hoặc không có địa chỉ nhận, trừ ấn phẩm định kỳ, sách, báo, tạp chí.”
Điện tín, thông tin điện tử (trong đó có tin nhắn, thư điện tử ... ) lại được quy định trong nhiều văn bản khác nhau như Luật Viễn thông 2009, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật Giao dịch điện tử 2005 ... và các văn bản hướng dẫn.
Môi trường mạng (là môi trường trong đó thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua cơ sở hạ tầng thông tin) là khái niệm không còn mới lắm, nhưng vấn đề bảo đảm an toàn, bí mật thông tin trên môi trường mạng vẫn là vấn đề cần quan tâm hơn từ cả ý thức của người sử dụng dịch vụ, lẫn doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Lưu Gia - Báo Chất lượng Việt Nam
(Bài viết được thực hiện bởi sự phối hợp cộng tác của Công ty Luật Hợp Danh FDVN - Số 193 Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng - ĐT: 05113.890.568 - www.fdvn.vn)
Luật sư Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN,
193 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng,
www.fdvn.vn ĐT: 05113. 890 568
..................................................Chơi với phù phiếm!......................