"Địa chỉ đỏ" là gì? TPHCM có những địa chỉ đỏ nào?

Chủ đề   RSS   
  • #611052 27/04/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 550 lần
    SMod

    "Địa chỉ đỏ" là gì? TPHCM có những địa chỉ đỏ nào?

    “Địa chỉ đỏ” là những địa điểm gắn liền với các hoạt động về nguồn, là những “bảo tàng sống” để giáo dục trong công tác giáo dục truyền thống và là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách thập phương. Vậy, hiện tại TPHCM có những địa chỉ đỏ nào?

    “Địa chỉ đỏ” là gì?

    Địa chỉ đỏ là những địa điểm lịch sử liên quan đến Cách mạng Kháng chiến, được công nhận xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố, các địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến đã được UBND thành phố quyết định gắn biển địa điểm cách mạng kháng chiến.

    Danh sách những địa chỉ đỏ tại TPHCM

    1) Bảo tàng Hồ Chí Minh

    Bảo tàng Hồ Chí Minh có địa chỉ tại số 1 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, với khuôn viên rộng trên 12.000 ha nằm ở vị trí ngã ba sông Sài Gòn.

    Hiện nay, Bảo tàng có 07 phòng trưng bày trong đó có 4 phòng trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 03 phòng trưng bày chuyên đề đặc biệt, nhấn mạnh đến sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; tình cảm của Bác Hồ đối với nhân dân miền Nam và tình cảm kính yêu của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ và Hệ thống đền thờ Bác Hồ ở Nam Bộ.

    2) Bia Tưởng niệm chiến sĩ biệt động Sài Gòn hy sinh tại Dinh Độc Lập Hồ Chí Minh

    Bia đặt tại địa chỉ 108 Nguyễn Du, phường Bến Thành, Quận 1 – nơi đã diễn ra cuộc chiến đấu của 15 chiến sĩ Đội 5, Biệt động Sài Gòn - Gia Định tấn công vào Dinh Độc Lập trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

    Ghi nhận sự hy sinh của các chiến sĩ, đơn vị được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (20/12/1969).

    3) Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ

    Di tích Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ, đặt tại số 51/10/14 đường Cao Thắng, Phường 3, Quận 3, đánh dấu một trang sử cách mạng quan trọng trong giai đoạn chống Mỹ.

    Tại đây Ban Tuyên huấn Xứ ủy đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng với sự tham gia của các lãnh đạo cao cấp như Trần Bạch Đằng, Phạm Dân, Tân Đức, Đỗ Văn Ba... cho đến khi Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ dời về chiến khu D vào năm 1957.

    4) Cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn

    Cơ sở in ấn của Hội Ủng hộ vệ quốc đoàn năm 1954 (còn gọi là Hầm B) nằm trong con hẻm nhỏ đường Ngô Gia Tự, quận 10, TP.HCM. Đây là nơi in ấn, sao lưu tài liệu tuyên truyền cách mạng thời kháng chiến chống Pháp.

    5) Khu di tích Lịch sử Dân công hoả tuyến

    Ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) có một con đường tên Nữ Dân Công hay Dân Công Hỏa Tuyến. Cuối con đường là khu di tích tưởng niệm 32 dân công đã hy sinh trong trận đánh địch đêm 15/6/1968. 

    Trong số họ, có một người du kích làm hướng dẫn, một thanh niên từ gia đình Cách mạng tham gia cùng với đoàn dân công, hai đồng chí thương binh từ Sư đoàn 9 và 16 phụ nữ cùng 5 nam giới bị thương. Họ đều rất trẻ, người lớn nhất mới 30 tuổi, còn người trẻ nhất chỉ 15 tuổi. Tất cả đều là những người yêu nước, sẵn lòng hi sinh để bảo vệ quê hương và Tổ quốc.

    6) Số 4 Duy Tân - Trung tâm đấu tranh công khai của tuổi trẻ thời đánh Mỹ

    Nhà Văn hóa Thanh niên, số 4 Phạm Ngọc Thạch (trước là số 4 Duy Tân) là mảnh đất của thanh niên thành phố hơn 50 năm qua. 

    Từ những năm 1960, nơi đây là trung tâm đấu tranh chính trị của thanh niên, sinh viên, học sinh do Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định trực tiếp lãnh đạo như Tổng hội sinh viên, Tổng đoàn học sinh, Hội đồng đại diện sinh viên Sài Gòn, Hội sinh viên sáng tác, đoàn văn nghệ sinh viên học sinh. Nơi đây xuất phát các phong trào đòi hòa bình, thống nhất đất nước, đòi tự trị đại học, chống đôn quân bắt lính…

    Ngày 26/3/1985, Ban Thường vụ Thành đoàn ra quyết định số 79, đặt bia truyền thống kỷ niệm tại số 4 Duy Tân với nội dung “4 Duy Tân - Trung tâm đấu tranh công khai của tuổi trẻ thành phố thời đánh Mỹ” và xếp địa điểm này vào loại lịch sử truyền thống của Ðoàn Thanh niên TP.

    7) Hầm chứa vũ khí biệt động sài gòn

    Bên dưới ngôi nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM có một căn hầm bí mật. Nơi đây từng cất giấu hơn 2 tấn vũ khí của Biệt động Sài Gòn trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là ở thời điểm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968).

    Căn hầm từng là nơi cất giấu hơn 2 tấn vũ khí: 350kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 15 súng AK và 3.000 viên đạn, súng ngắn, súng B40, lựu đạn… Điều đặc biệt hơn nữa là căn nhà nằm ngay giữa trung tâm thành phố, cách Dinh Độc Lập hơn 1km. Tất cả các hoạt động đào hầm, vận chuyển, cất giấu vũ khí đều được giữ bí mật, an toàn tuyệt đối.

    8) Di tích Ngã Ba Giòng

    Di tích Ngã Ba Giòng nằm tại Ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, được bao quanh bởi ba con đường: Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Bứa và tỉnh lộ 19.

    Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940) bị thất bại, thực dân Pháp đã tăng cường đàn áp, khủng bố khốc liệt phong trào cách mạng vùng Hóc Môn – Bà Điểm. Chúng đã lập ra ở Hóc Môn 03 trường bắn để giết hại các đồng chí  lãnh đạo Đảng, các đồng chí đồng bào yêu nước của quê hương Hóc Môn và các vùng lân cận. Ngã ba Giòng là trường bắn thứ ba ghi lại tội ác tày trời của giặc pháp và bọn tay sai đối với nhân dân Hóc Môn.

    9) Phở Bình

    Tiệm phở Bình ở số 7 Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM trước đây là đường Yên Ðổ, là "tổng hành dinh" của đơn vị F100 thuộc biệt động Sài Gòn, nơi phát lệnh cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. 

    Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, Bộ Tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam đã tiến hành lập kế hoạch và xây dựng các cơ sở bí mật trong nội thành. Những nơi này được sử dụng để lưu trữ vũ khí, đồng thời là điểm tổ chức các cuộc họp, trao đổi thông tin, và là cơ sở tiền chỉ huy trước và trong các trận đánh.

    Ðây là Sở chỉ huy tiền phương - Phân khu 6, Ðặc khu Sài Gòn - Gia Ðịnh.

    10) Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác Cần Giờ

    Nằm bên trong Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ là Khu căn cứ Cách mạng Rừng Sác, nơi đây được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, Khu căn cứ này đã được nhiều người biết đến qua quá khứ hào hùng của Đội Đặc công Rừng Sác. 

    Căn cứ đã được xây dựng và tái hiện lại gần như toàn bộ quang cảnh sinh hoạt và chiến đấu của các anh hùng khi xưa như: Nhà cảnh vệ, nhà đón tiếp, hầm trú ẩn, hội trường, nhà hậu cần, nhà quân y, nhà quân giới, nhà cơ yếu; cảnh chỉ huy Đoàn 10 đang nghe báo cáo tình hình thực địa và hạ quyết tâm tổ chức tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè, cảnh chiến sĩ Đoàn 10 tiêu diệt cá sấu, cách chưng cất nước mặn thành nước ngọt, cảnh đưa tiễn chiến sĩ vào trận đánh, trận địa súng DKZ pháo kích vào Dinh Độc lập…

    Di tích lịch sử Việt Nam hiện nay được phân thành mấy cấp?

    Di tích lịch sử là một dạng của di sản văn hoá vật thể, bao gồm các công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học.

    Theo Điều 29 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009) thì di tích lịch sử Việt Nam được phân chia thành 03 cấp, dựa trên giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, di tích lịch sử - văn hoá, cụ thể như sau:

    (1) Di tích lịch sử cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương;

    (2) Di tích lịch sử cấp quốc gia là di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia;

    (3) Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia.

    Như vậy, di tích lịch sử Việt Nam được chia thành 03 cấp. Đối với mỗi cấp sẽ có những điều kiện, tiêu chuẩn công nhận khác nhau. Những di tích này là chứng nhân lịch sử theo từng giai đoạn của đất nước, là địa điểm thiết thực nhất để giáo dục về lòng yêu nước cho con cháu ta.

     
    3230 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận