Lướt net thấy có bài viết này khá hay nên chia sẻ cho các bạn Dân Luật, mời các bạn đọc và cảm nhận về hành động của dân mình trong phiên xét xử hôm qua nhé
Ngày 17.12, một ngày phải nói là đen tối với một xã hội không bình yên khi tội ác lên ngôi. Ở Bình Phước xét xử vụ thảm sát 6 người trong một gia đình, ở Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử một bị cáo giết 4 người ở 4 tỉnh.
Có nên nhân bản cái ác?
Sau vụ thảm sát man rợ ở Bình Phước, thì ở Nghệ An, Yên Bái, Hà Nội cũng liên tiếp xảy ra những vụ án tương tự. Người dân thực sự lo ngại.
Những kẻ ác thủ chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng phạt nghiêm minh. Không có gì phải bàn cãi, nhưng mấu chốt quan trọng là làm sao để không còn những vụ thảm sát như thế xảy ra. Chưa một lời giải thỏa đáng để ngăn chặn, phòng ngừa.
Ngay từ chiều qua (16.12) báo chí đã đưa tin, tỉnh Bình Phước đã dồn công, dồn sức cho phiên tòa xét xử lưu động với ba bị cáo trong vụ giết 6 người. Nào rò mìn, rồi huy động trên 300 cảnh sát, chưa kể các lực lượng khác để phục vụ cho phiên tòa được mở vào sáng hôm nay.
Rồi người dân ở các tỉnh lân cận cũng thuê xe ô tô, đi từ mờ sáng để đến được huyện Chơn Thành ( Bình Phước) sớm nhất. Có người còn nhanh trí, dùng ô tô chở đồ đến bán để phục vụ người xem. Người dân ở đây còn cho thuê ghế…
Có thể nói, người dân - theo thông tin trên báo chí thì ước khoảng 4.000 người - đến xem xử án, nô nức, hứng khởi có khác gì như đi trẩy hội? Có người dân hồ hởi khi trả lời báo chí: Tôi về đây để xem bắn người.
Từ sáng sớm, phương tiện truyền thông, đài thì truyền hình trực tiếp, báo thì tường thuật online… nghĩa là người dân cả nước có thể như đang có mặt tại phiên toà ở tận huyện Chơn Thành xa xôi. Trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện những câu hỏi, những lo lắng về phiên tòa xét xử lưu động này.
Không hiểu vì sao tỉnh Bình Phước lại quyết định xử lưu động? Lại tốn kém huy động lực lượng quá lớn cho phiên tòa này? 6 di ảnh của người đã mất được người thân đem đến phiên tòa lưu động, thật thê lương. Tiếng khóc, gào thét của thân nhân nạn nhân… tác động không nhỏ đến hàng nghìn người dự phiên tòa? Nhà báo Trương Quang Vĩnh - nguyên Phó tổng biên tập báo Tuổi trẻ đã viết: Cái ác đến tận cùng được mang ra công khai qua xét xử lưu động. Báo chí cũng đua nhau trực tiếp online đến từng chi tiết, cách giết, cách đâm… Và rất đông người dán mắt vào truyền hình trực tiếp.
Và nhà báo khẳng định: Đây là sự nhân bản cho cái ác, kích thích máu say trong một số ác thủ (chưa xuất hiện) hơn là giáo dục, răn đe ai. Dư luận cũng như các luật sư lên tiếng về việc, trong vụ án nào thì xử lưu động, vụ án nào thì không. Và với vụ án thảm sát 6 người ở Bình Phước thì không nên xử lưu động, bởi tính giáo dục, răn đe thì ít mà kích thích tính tò mò của số đông thì nhiều, khiến người ta không còn thấy ghê sợ với cái ác.
Nói ác mãi sẽ đi đến sát thủ
Nickname Kien Tran chia sẻ: Đi xem xử án mà như đi trẩy hội, đi coi đại nhạc hội. Những buổi xử án kiểu này chỉ tổ đánh thức bản năng trả thù trong con người… không có ích gì trong việc hướng xã hội về văn minh, nhân bản và pháp quyền cả. Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu cũng đặt câu hỏi: “Liệu đưa tin quá rầm rộ thế này có giúp xã hội trở nên tốt hơn, nhân bản hơn? Giúp răn đe được tội phạm không hay chỉ thỏa mãn những nhu cầu bản năng của độc giả? Làm cho những kẻ tội phạm tiềm năng thấy dễ được “nổi tiếng” khi phạm tội? Người dân phẫn nộ trước cái ác và đôi khi xét xử lưu động được chọn như một phương pháp vừa để xoa dịu dư luận, vừa để răn đe, giáo dục cộng đồng. Mục tiêu này là tích cực, song, câu hỏi đặt ra là, liệu một xã hội văn minh, pháp quyền hướng đến nền tư pháp công bằng có chỗ cho kiểu xét xử này không?
Và chính thẩm phán, luật sư cũng sẽ chịu sức ép rất lớn từ số đông người dự tại phiên tòa lưu động. LS Duy Hậu dẫn chứng: Nhà tâm lý học nổi tiếng người Pháp là Gustave Le Bon chỉ ra rằng, đứng giữa một đám đông, vị thẩm phán khó lòng giữ được quan điểm của riêng mình. Luật sư cũng không thể phát huy hết vai trò, các quyết định của thẩm phán bị ảnh hưởng, dù là vô tình hay hữu ý, thì công bằng trong xét xử - tiêu chỉ hàng đầu của một nền tư pháp, sẽ khó đạt được. LS Bùi Quang Nghiêm bày tỏ: Xét xử lưu động ở nước ra được phát sinh trong hoàn cảnh xã hội ở thời điểm mà các phương tiện thông tin chưa phát triển và gắn với mục tiêu tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Hiện nay, phương tiện truyền thông, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông phát triển rộng. Đã đến lúc nên chấm dứt việc xét xử lưu động, vừa gây tốn kém cho ngân sách và quan trọng hơn là, không nên bắt bị cáo phải chịu thêm hình phạt mà luật không hề quy định, không nên bắt người thân của bị cáo phải chịu thêm sức ép của cộng đồng.
Và tôi có cảm giác là truyền thông, mạng xã hội đang "thua đủ” với tội ác máu lạnh. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân không phải để người dân thấu được cái man rợ của kẻ giết người. Nên nhớ là: Nói ác mãi sẽ đi đến sát thủ.
Bạn nghĩ gì khi người dân bình thản nói rằng: Tôi tưởng xử xong sẽ bắn, thế là đi xem.
Theo Linh Trần – Pháp Luật Plus