Chào bạn!
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN trả lời bạn như sau
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, cá nhân là người thành niên có đủ điều kiện tại điểm a khoản 1 điều 630 Bộ luật này đều có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Theo đó, điều kiện của cá nhân lập di chúc là:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Do đó, việc ba mẹ bạn muốn lập di chúc để lại cho bạn mảnh đất với căn nhà là tài sản trên mảnh đất đó là tài sản của họ và theo ý muốn của họ là hoàn toàn hợp pháp.
Trường hợp ba mẹ bạn để lại di chúc cho bạn thừa kế mảnh đất đó mà ba mẹ bạn vẫn còn sống thì bản di chúc đó chưa có hiệu lực. Theo quy định về hiệu lực của di chúc tại Điều 643 BLDS 2015 thì di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế, theo đó thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết (Khoản 1 Điều 611 BLDS 2015). Chính vì thế, khi ba mẹ bạn chưa qua đời thì bạn chưa thể làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo di chúc hiện có. Tuy nhiên nếu bạn muốn làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thì bạn và ba mẹ có thể làm thông qua thủ tục tặng cho đối với mảnh đất và căn nhà trên theo quy định của pháp luật
Trân trọng