Di chúc của ngươi tâm thần - Ảnh minh họa
Nếu người một người tâm thần muốn để lại di chúc, liệu mong muốn của họ có được thực hiện hay không?
Về điều kiện có hiệu lực của di chúc
Trước tiên, tại Khoản 1 và 3 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 có các quy định:
- Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
+ Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
+ Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Như vậy, có thể thấy, nếu người để lại di chúc không sáng suốt thì không thể để lại di chúc.
Tuy nhiên, người tâm thần vẫn có người đại diện theo pháp luật, vậy nếu người này để lại di chúc thay cho người bị tâm thần thì có được hay không?
Người đại diện có được lập di chúc thay cho người tâm thần?
Khoản 1 Điều 22 BLDS 2015 quy định:
“1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.”
Theo đó, người tâm thần có thể được người khác yêu cầu Tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự, kể từ thời điểm bị tuyên mất năng lực hành vi dân sự, theo quy định tại Khoản 2 Điều 22:
“Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.”
Về mặt pháp lý, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, điều này có nghĩa việc để lại di chúc cũng là một giao dịch dân sự (vì làm phát sinh quyền thừa kế của người khác)
Theo đó, người đại diện theo pháp luật sẽ là người xác lập, thực hiện việc để lại di chúc của người đã bị tuyên mất năng lực hành vi dân sự (vì để lại di chúc cũng là một giao dịch).
Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với khái niệm của di chúc tại Điều 624:
“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”
Người đại diện theo pháp luật của người tâm thần sẽ là người quản lý tài sản cho họ, tuy nhiên theo điều luật trên thì di chúc thể hiện ý chí của cá nhân với tài sản của mình “sau khi chết”, có nghĩa là việc để lại di chúc phải xuất phát từ ý chí của chính người tâm thần.
Mặt khác, như đã phân tích thì người không còn sáng suốt, minh mẫn thì di chúc lại không có hiệu lực.
Chính vì những lẽ trên, thực tế người tâm thần sẽ không thể lập di chúc (trừ khi đã xác lập di chúc trước khi bị tâm thần). Việc phân chia di sản thừa kế của những người này sẽ áp dụng chế định thừa kế theo pháp luật.
Mời bạn đọc đóng góp ý kiến về chủ đề này!
Cập nhật bởi vankhanhnhu ngày 21/11/2020 08:28:50 SA