Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự nổi bật là quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
Xem toàn văn dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự (Dự thảo 2): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/07/dt-nd-mat-ma-ds.pdf
Sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự là gì?
Theo khoản 18 Điều 3 Luật An toàn thông tin mạng 2015 thì mật mã dân sự là kỹ thuật mật mã và sản phẩm mật mã được sử dụng để bảo mật hoặc xác thực đối với thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Theo Điều 30 Luật An toàn thông tin mạng 2015 quy định sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự là:
- Sản phẩm mật mã dân sự là các tài liệu, trang thiết bị kỹ thuật và nghiệp vụ mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
- Dịch vụ mật mã dân sự gồm dịch vụ bảo vệ thông tin sử dụng sản phẩm mật mã dân sự; kiểm định, đánh giá sản phẩm mật mã dân sự; tư vấn bảo mật, an toàn thông tin mạng sử dụng sản phẩm mật mã dân sự.
Như vậy, sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự là những sản phẩm, dịch vụ liên quan đến kỹ thuật mật mã và sản phẩm mật mã được sử dụng để bảo mật hoặc xác thực thông tin ngoài bí mật nhà nước.
Vi phạm kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng
Ngày 07/6/2024, Chính phủ đã công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự (Dự thảo 2) do Bộ Quốc phòng soạn thảo.
Theo Điều 12 Dự thảo 2 quy định về xử lý vi phạm các quy định về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, sử dụng sản phẩm mật mã dân sự như sau:
- Phạt cảnh cáo đối với hành vi:
Báo cáo không đúng thời hạn về tình hình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự và tổng hợp thông tin khách hàng.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không quản lý hồ sơ, tài liệu về giải pháp kỹ thuật, công nghệ của sản phẩm mật mã dân sự;
+ Không lập, lưu giữ và bảo mật thông tin khách hàng, tên, loại hình, số lượng và mục đích sử dụng của sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
+ Không báo cáo về tình hình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự;
+ Sử dụng sản phẩm mật mã dân sự không do doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự cung cấp mà không khai báo với Ban Cơ yếu Chính phủ.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi thay đổi tên, thay đổi người đại diện theo pháp luật hoặc thay đổi, bổ sung sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
+ Không làm thủ tục cấp lại Giấy phép trong trường hợp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự bị mất hoặc bị hư hỏng;
+ Cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về sử dụng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, vi phạm cam kết đã thỏa thuận về sử dụng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự do doanh nghiệp cung cấp;
+ Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự không đúng với nội dung ghi trên Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
+ Xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự mà không có Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự;
+ Xuất khẩu, nhập khẩu không đúng nội dung ghi trong Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự;
+ Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự hết hạn.
- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không duy trì một trong các điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
+ Cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin để được cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự, Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
+ Không phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khi có yêu cầu.
- Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự mà không có Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
+ Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự mà đối tượng và mục đích sử dụng sản phẩm mật mã dân sự gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
+ Xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự mà đối tượng và mục đích sử dụng sản phẩm mật mã dân sự gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
+ Không tạm ngừng hoặc ngừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự để đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Từ chối cung cấp các thông tin cần thiết liên quan tới khóa mã cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Ngoài ra, còn có các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 12 Dự thảo 2.
Đồng thời, tại điểm a khoản 2 Điều 11 Dự thảo 2 đã quy định:
- Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực mật mã dân sự là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
- Mức phạt tiền quy định tại Điều 12 Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, nếu Dự thảo 2 được thông qua, mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm của tổ chức về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự là 200 triệu đồng, với cá nhân sẽ là 100 triệu đồng.
Xem toàn văn dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự (Dự thảo 2): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/07/dt-nd-mat-ma-ds.pdf