Ngành công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam hiện chỉ mới dừng lại ở mức tiềm năng và đang phát triển, rất cần những sự hỗ trợ từ nhà nước. Do đó, tại Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số hàng loạt chính sách ưu đãi đặc biệt cho người làm trong ngành công nghiệp công nghệ số nổi bật hơn thảy, thu rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Hãy cùng tìm hiểu.
1. Đề xuất phát triển cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ số
Căn cứ Điều 35 Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số đề xuất phát triển cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ số như sau:
- Cơ sở đào tạo trong hoạt động đào tạo về công nghệ số được hưởng chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư.
- Nhà nước ưu tiên đầu tư, xây dựng một số cơ sở đào tạo công nghệ số đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, căn cứ Điều 34 Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số đề xuất phát triển nguồn nhân lực công nghệ số như sau:
- Nhà nước hỗ trợ các hoạt động phát triển nguồn nhân lực công nghệ số bao gồm: đào tạo các kỹ năng công nghệ số đáp ứng yêu cầu phát triển; Hỗ trợ liên kết tìm kiếm việc làm; Đánh giá kỹ năng công nghệ số; Thông tin, số liệu nhu cầu nguồn nhân lực; Hỗ trợ tổ chức hợp tác giữa doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu và trường học trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số; Hỗ trợ kết nối với các tổ chức nước ngoài trong đào tạo nguồn nhân lực; Hỗ trợ đào tạo người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; Hỗ trợ tổ chức các chương trình thu hút lao động công nghệ số chất lượng cao và các hoạt động hỗ trợ khác.
- Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ số sử dụng ngân sách nhà nước được dành kinh phí cho các hoạt động tại Khoản 1 Điều này.
Theo đó, nguồn nhân lực công nghệ số và cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ số đều là những đối tượng nhận được nhiều sự quan tâm của nhà nước. Đây đều là những động thái cần thiết nhằm nâng cao chất lượng của ngành nghề mới như ông nghiệp công nghệ số.
2. Đề xuất những chính sách ưu đãi đặc biệt cho người làm trong ngành công nghiệp công nghệ số
Căn cứ khoản 4 Điều 36 Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số đề xuất những chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút, sử dụng nhân tài là tinh hoa của thế giới để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số của nhà nước như sau:
- Tạo môi trường làm việc, sống thuận lợi;
- Chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm;
- Ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập cá nhân;
- Tạo điều kiện tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về công nghiệp công nghệ số.
Bên cạnh đó, tại khoản 1, 2, 3 Điều 36 Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số còn đề xuất thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao như sau:
- Nhân lực công nghệ số chất lượng cao là người Việt Nam, chuyên gia nước ngoài có trình độ và kỹ năng đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Nhân lực công nghệ số chất lượng cao theo quy định tại khoản 1 Điều này khi tham gia vào các hoạt động thiết kế, sản xuất các sản phẩm công nghệ số trọng điểm, trọng yếu là đối tượng được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân
- Nhân lực công nghệ số chất lượng cao là người nước ngoài được ưu tiên xem xét rút ngắn quy trình thủ tục thẩm định cấp giấy phép lao động.
Có thể nói, đầu tư vào con người luôn là đầu tư chính xác và bền vững nhất. Bởi lẽ ngành công nghiệp phát triển cũng là để phục vụ cho cuộc sống của người dân hiện đại hơn. Ngoài ra, những chính sách ưu đãi đặc biệt cho người làm trong ngành công nghiệp công nghệ số còn là bàn đạp chắp cánh mạnh mẽ cho những tài năng trẻ có cơ hội nhiều hơn thử sức tại lĩnh vực mới.
Bài được viết theo Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số: Tải về