Mới đây, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã công bố Dự thảo Luật Nhà giáo (Dự thảo 2). Trong đó có đề xuất mỗi nhà giáo sẽ được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/dt-luat-nha-giao.pdf Dự thảo Luật Nhà giáo (Lần 2)
Theo tờ trình Dự thảo Luật Nhà giáo (Lần 2), nhằm có căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng về người có “tư cách” nhà giáo, xứng đáng với danh xưng “nhà giáo”. Đồng thời, cũng là để đảm bảo nhà giáo là người đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, giáo dục tại cơ sở giáo dục và có khả năng hoạt động nghề nghiệp có hiệu quả và làm tăng niềm tự hào nghề nghiệp đối với những người được gọi là “nhà giáo”. Theo đó, Dự thảo Luật Nhà giáo (Lần 2) đã đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Cụ thể như sau:
(1) 04 trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề
Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Mỗi nhà giáo được cấp 01 hoặc hơn 01 chứng chỉ hành nghề. Theo đó, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo đang được Bộ GD&ĐT đề xuất cấp cho 04 trường hợp bao gồm:
- Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
- Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.
- Nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo (nếu có nhu cầu).
- Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.
Bên cạnh đó, nhà giáo còn có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lại chứng chỉ hành nghề khi bị mất hoặc hư hỏng.
Ngoài ra, người có chứng chỉ hành nghề hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được công nhận tương đương với chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo khi được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là bên ký kết và còn hiệu lực.
(2) Cơ quan nào sẽ thực hiện việc cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo?
Tại Điều 16 Dự thảo Luật Nhà giáo (Lần 2) đề xuất giao cho các Bộ và cơ quan ngang Bộ cấp chứng chỉ hành nghề đối với giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng, trường cao đẳng sư phạm; giáo viên dự bị đại học thuộc thẩm quyền quản lý.
Còn đối với trường hợp giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên) và giảng viên các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục đại học thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh thì thẩm quyền cấp sẽ thuộc về Sở GD&ĐT.
Cuối cùng, Sở LĐ-TB&XH sẽ cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục nghề nghiệp) và giảng viên các trường cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh.
Theo đó, những cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ nêu trên thì cũng sẽ có thẩm quyền thực hiện việc cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề.
(3) 03 trường hợp sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo
Dự thảo Luật Nhà giáo (Lần 2) đề xuất những trường hợp sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề như sau:
- Có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 02 năm liên tục.
- Vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải.
- Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không đúng quy định.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, nếu được cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc ban hành quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề vì vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải không đúng thì sẽ được cấp lại.