Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, có đề xuất, hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành doanh nghiệp không cần nộp GCN đăng ký. Cụ thể như sau.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/31/du-thao-dky-doanh-nghiep-lan-3.docx Dự thảo Nghị định (Lần 03)
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/31/du-thao-to-trinh.docx Dự thảo Tờ trình
(1) Hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp không cần nộp GCN đăng ký
Cụ thể, tại Dự thảo Tờ trình có nêu rõ, đối với các thủ tục đăng ký doanh nghiệp có yêu cầu nộp bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân, dự thảo Nghị định đề xuất trường hợp người thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp kê khai số định danh cá nhân thì không phải nộp loại giấy tờ này. Ví dụ như Điều 20 Dự thảo Nghị định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
Bên cạnh đó, đối với một số thủ tục đăng ký doanh nghiệp có thành phần hồ sơ dự kiến sẽ được cắt giảm so với quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP như:
- Cắt giảm yêu cầu nộp bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
- Cắt giảm yêu cầu nộp Điều lệ sửa đổi, bổ sung trong hồ sơ đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
(2) Có thể sử dụng số định danh cá nhân để đăng ký doanh nghiệp
Cụ thể, tại Dự thảo Tờ trình có nêu rõ, nhằm thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại Nghị quyết 136/NQ-CP, Dự thảo Nghị định đã đề xuất bổ sung quy định về việc sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại Điều 11 Dự thảo Nghị định.
Theo đó, trường hợp người thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp kê khai số định danh cá nhân thì được cắt giảm phần lớn thông tin cá nhân phải kê khai trên cơ sở khai thác thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư, tiết kiệm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, hạn chế tối đa hành vi giả mạo hồ sơ để đăng ký thành lập doanh nghiệp trái pháp luật do các thông tin cá nhân lưu trữ tại CSDL quốc gia về dân cư là các thông tin đã được Bộ Công an xác minh.
(3) Bổ sung quy định về tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp
Theo Dự thảo Tờ Trình, trong thực tiễn đã nhận được nhiều phản ánh từ địa phương và doanh nghiệp liên quan đến việc chưa có quy định tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Từ đó, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp do không xác định trạng thái hoạt động của các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trong khi doanh nghiệp có thể đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp đã bị giải thể.
Theo đó, dẫn đến việc không công khai, minh bạch được chính xác thông tin về tình trạng pháp lý của các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, các thông tin liên quan đến chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được cung cấp không đảm bảo tính chính xác.
Ngoài ra, theo số liệu thống kê về chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh luôn có sự sai lệch giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế do không có sự thống nhất vị thiếu quy định chung về tình trạng pháp lý.
Chính vì thế, tại Điều 32 Dự thảo Nghị định đã đề xuất bổ sung quy định về tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh như sau:
- “Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của chi nhánh, địa điểm kinh doanh đang trong thời gian tạm ngừng kinh doanh hoặc chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đang trong thời gian tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.
- “Tạm ngừng hoạt động” là tình trạng pháp lý của văn phòng đại diện đang trong thời gian tạm ngừng hoạt động hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp đang trong thời gian tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.
- “Không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký” là tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp mà qua công tác kiểm tra, xác minh của cơ quan thuế và các đơn vị có liên quan không tìm thấy chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại địa chỉ đã đăng ký. Thông tin về chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký do cơ quan thuế cung cấp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh. Việc chuyển tình trạng pháp lý và kết thúc tình trạng pháp lý này do cơ quan thuế quyết định, trừ trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đang thuộc tình trạng pháp lý quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5 và 6 Điều này. Cơ quan thuế có trách nhiệm gửi thông tin về tình trạng pháp lý “Không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký” của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh ghi nhận, cập nhật tình trạng pháp lý do cơ quan thuế cung cấp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- “Bị thu hồi do cưỡng chế về quản lý thuế” là tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện đã bị ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bị ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế về thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
- “Đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động” là tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã được Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh ra thông báo đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản.
- “Đã chấm dứt hoạt động” là tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã được Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đã phá sản.
- “Đang hoạt động” là tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh mà không thuộc tình trạng pháp lý quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.
Xem chi tiết tại Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (Lần 03)