Đề xuất hai biện pháp ngăn chặn mới trong Dự thảo Luật chưa thành niên

Chủ đề   RSS   
  • #611345 09/05/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 142 lần


    Đề xuất hai biện pháp ngăn chặn mới trong Dự thảo Luật chưa thành niên

    Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được chủ trì, phối hợp soạn thảo bởi Tòa án nhân dân tối cao đang được rất nhiều người quan tâm. Trong dự thảo có đề cập đến hai hình thức giám sát điện tử và giám sát tại nhà dành cho người chưa thành niên đây là vấn đề đáng chú ý trong bối cảnh hiện nay.

    Bên cạnh các nội dung về hình phạt thì các biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên phạm tội là vấn đề đáng quan tâm. Việc đề xuất áp dụng biện pháp giám sát điện tử và giám sát tại nhà đang được nghiên cứu một cách cẩn trọng bởi lẽ khi áp dụng hai biện pháp này cần phải cân nhắc kĩ nguy cơ về sự kỳ thị có thể gây tâm lý mặc cảm, tác động xấu cũng như đi ngược với tinh thần giáo dục, tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm của họ.

     

    (1)  Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

    Theo khuyến cáo của Liên hợp quốc, hiện các quốc gia đều xây dựng Bộ Luật Tư pháp dành riêng cho người chưa thành niên. Việt Nam tuy đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về bảo vệ quyền trẻ em từ rất sớm nhưng lại chưa có bộ luật chuyên biệt về người chưa thành niên.

    Do đó, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan thuộc nhiều bộ, ngành soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

    Đây là lần đầu tiên một đạo luật riêng biệt về tư pháp cho người chưa thành niên được xây dựng với mục tiêu hướng đến công tác bảo vệ, giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

    Dự thảo Luật bao gồm 168 điều, quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với bị hại và người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

    Theo dự thảo sẽ có ít nhất là 06 biện pháp ngăn chặn và 03 biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định trong Điều 114 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên như sau:

    Các biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm: 

    - Giữ người trong trường hợp khẩn cấp; 

    - Bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị truy nã, để tạm giam; 

    - Tạm giữ; 

    - Tạm giam; 

    - Giám sát điện tử; 

    - Giám sát tại nhà. 

    Biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm: 

    - Áp giải, dẫn giải; 

    - Kê biên tài sản;

    - Phong tỏa tài khoản.

    Như vậy, so với các biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015), dự thảo về Luật Tư pháp người chưa thành niên có sự khác biệt nhất định, không áp dụng biện pháp ngăn chặn là bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh đối với người chưa thành niên mà thay vào đó là bổ sung hai biện pháp mới là giám sát điện tử và giám sát tại nhà.

    Xem đầy đủ Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên ngày 17/04/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/09/du%20thao%20Luat%20chua%20thanh%20nien.pdf

    Xem cập nhật mới nhất tại:  Luật Tư pháp người chưa thành niên

     (2)  Biện pháp giám sát điện tử

    Giám sát điện tử được hiểu là sử dụng công nghệ để xác định, theo dõi, ghi lại, hoặc giám sát vị trí của người chưa thành niên thông qua các phương tiện điện tử, được áp dụng kèm theo các biện pháp khác, ví dụ như giám sát tại nhà. 

    Đối với biện pháp giám sát điện tử tại Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định tại Điều 117 như sau:

    - Việc giám sát điện tử nhằm ngăn chặn người chưa thành niên thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và giám sát sự tuân thủ của người chưa thành niên với yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. 

    - Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định gắn 01 thiết bị điện tử có chức năng giám sát đối với người chưa thành niên là người bị buộc tội. 

    - Thời hạn giám sát điện tử không quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Luật này và Bộ luật Tố tụng hình sự.

    (3) Biện pháp giám sát tại nhà

    Theo PGS-TS Lê Huỳnh Tấn Duy, giám sát điện tử không phải là một biện pháp ngăn chặn độc lập, được áp dụng kèm theo các biện pháp khác, ví dụ như giám sát tại nhà. 

    Giám sát tại nhà là một trong hai biện pháp mới được bổ sung tại Điều 114 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

    Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giám sát tại nhà đối với người bị buộc tội.

    Đối với biện pháp giám sát tại nhà được thực hiện bằng cách cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giao người bị buộc tội cho người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên và chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chưa thành niên cư trú có trách nhiệm quản lý, giám sát, hỗ trợ, theo dõi (theo quy định tại Điều 118 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên)

    Xem đầy đủ Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên ngày 17/04/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/09/du%20thao%20Luat%20chua%20thanh%20nien.pdf

    Xem cập nhật mới nhất tại:  Luật Tư pháp người chưa thành niên

    Như vậy, Dự thảo Luật chưa thành niên đã đề xuất hai biện pháp ngăn chặn mới là biện pháp giám sát điện tử và biện pháp giám sát tại nhà. Để phát huy hiệu quả của hai biện pháp ngăn chặn giám sát điện tử và giám sát tại nhà, cần xem xét bối cảnh hiện nay về điều kiện giáo dục, phát triển của người chưa thành niên.

    Tóm lại, hai biện pháp ngăn chặn trên chỉ mới là đề xuất, với rất nhiều sự khác biệt về truyền thống pháp luật, điều kiện kinh tế-xã hội, điều kiện giáo dục và yếu tố tâm lý,.. Ban soạn thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên vẫn cần có sự nghiên cứu, đánh giá một cách cẩn trọng về tính khả thi khi áp dụng biện pháp giám sát điện tử và biện pháp giám sát tại nhà.

     
    182 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lamtuyet9366 vì bài viết hữu ích
    admin (04/07/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận