Theo Báo Hànộimới đưa tin, hôm nay ngày 01/4/2024 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật. Trong đó, nổi bật là đề xuất Công chứng viên được hành nghề đến 70 tuổi trong dự thảo.
Đề xuất Công chứng viên được hành nghề đến 70 tuổi
Thông tin thêm
Bộ trưởng Tư pháp trình bày tờ trình tại phiên họp: dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng 2014.
Về công chứng viên, dự thảo Luật quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi.
Chính phủ cũng đề xuất giảm thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm công chứng viên từ 5 năm xuống còn 3 năm; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên giảm từ 7 loại giấy tờ xuống còn 3 loại, gồm: Đơn đề nghị bổ nhiệm, giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật và giấy chứng nhận sức khỏe.
So sánh với quy định độ tuổi Công chứng viên trong Luật Công chứng 2014
- Theo Khoản 2 Điều 2 Luật Công chứng 2014 quy định:
Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.
- Theo Điều 8 Luật Công chứng 2014 quy định công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:
- Có bằng cử nhân luật;
- Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;
- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng theo quy định hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng theo quy định;
- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;
- Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.
Như vậy, có thể thấy Luật Công chứng 2014 không có quy định về độ tuổi hành nghề Công chứng viên. Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi đã bổ sung độ tuổi hành nghề của Công Chứng viên là 70 tuổi.
Theo đó, nếu dự thảo được thông qua, đến khi Luật Công chứng sửa đổi có hiệu lực thi hành thì người trên 70 tuổi không được tiếp tục hành nghề Công chứng viên.
Giảm Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Công chứng viên từ 7 còn 3 loại
Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Công chứng viên theo Điều 12 Luật Công chứng 2014 bao gồm:
- Đơn đề nghị bổ nhiệm công chứng viên theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định (mẫu TP-CC-03 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BTP: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/1/don-bo-nhiem-ccv.doc );
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Bản sao bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ, tiến sĩ luật;
- Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật;
- Bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng.
Đối với người được miễn đào tạo nghề công chứng thì phải có bản sao giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng và giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề công chứng quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Công chứng 2014 bao gồm:
+ Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;
+ Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên;
+ Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;
+ Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
- Bản sao giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng;
- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.
Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi giảm bớt 07 loại giấy tờ trên xuống còn 03 loại. Theo đó, các loại giấy tờ mà Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Công chứng viên theo dự thảo chỉ còn:
- Đơn đề nghị bổ nhiệm công chứng viên
- Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật;
- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.
Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi với nhiều điểm mới, nổi bật so với Luật Công chứng 2014 đang được Nhà nước ráo riết hoàn thành. Người đọc có thể tham khảo và theo dõi để cập nhật những tin tức mới nhất của pháp luật.
Theo Báo Hànộimới