Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm GPLX. Trong đó, có đề xuất Chủ tịch tỉnh, huyện có thẩm quyền trừ điểm GPLX, cụ thể như sau.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/14/du-thao-lan-2-nghi-dinh-xpvphc.docx Dự thảo Nghị định (Lần 02)
(1) Chủ tịch tỉnh, huyện có thẩm quyền trừ điểm GPLX
Cụ thể, tại Điều 40 Dự thảo Nghị định có đề xuất liên quan đến việc phân định thẩm quyền xử phạt hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ, theo đó, tại đây đề xuất trao thẩm quyền trừ điểm GPLX cho những đối tượng như sau:
- Chủ tịch UBND các cấp.
- Cảnh sát giao thông.
- Cảnh sát trật tự.
- Cảnh sát phản ứng nhanh.
- Cảnh sát cơ động.
- Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Làm rõ hơn về thẩm quyền trừ điểm GPLX của Chủ tịch UBND các cấp, tại Điều 40 Dự thảo Nghị định có đề xuất như sau:
Đối với Chủ tịch UBND cấp xã có quyền:
- Phạt cảnh cáo.
- Phạt tiền đến 05 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10 triệu đồng.
- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 4 Dự thảo Nghị định này.
Đối với Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền:
- Phạt cảnh cáo.
- Phạt tiền đến 17,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, d, đ và e khoản 1 Điều 4 Dự thảo Nghị định này;
- Trừ điểm giấy phép lái xe.
Đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền:
- Phạt cảnh cáo.
- Phạt tiền đến 75 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo Nghị định này.
- Trừ điểm giấy phép lái xe.
Theo đó, trường hợp Dự thảo Nghị định nêu trên được thông qua thì ngoài CSGT; Cảnh sát trật tự; Cảnh sát phản ứng nhanh; CSCĐ; Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan ra thì Chủ tịch UBND cấp huyện và tỉnh cũng có thẩm quyền trừ điểm GPLX và ra các quyết định xử phạt, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và các nội dung khác.
(2) Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt hành chính, trừ điểm GPLX
Theo Dự thảo Nghị định, thẩm quyền trừ điểm GPLX được đề xuất phải tuân thủ theo những nguyên tắc như sau:
- Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ thực hiện theo quy định tại Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trừ điểm GPLX của những chức danh được quy định tại các Điều 41, 42 và 43 Dự thảo Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.
Trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân tương ứng với từng lĩnh vực.
- Đối với những hành vi vi phạm có quy định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn thì trong các chức danh quy định tại khoản 2, 3 Điều 41; khoản 4, 5, 6 Điều 42; khoản 2, 3, 4 và 6 Điều 43 Dự thảo Nghị định này, chức danh nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó cũng có quyền xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề đối với người vi phạm.
Theo đó, nguyên tắc xác định thẩm quyền trừ điểm GPLX hiện đang được đề xuất thực hiện theo nội dung đã nêu trên.