Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 điều; trong đó khẳng định nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước và là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục.
Bên cạnh quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, dự thảo cũng đã đề xuất các hành vi nghiêm cấm của nhà giáo đối với người học và hành vi nghiêm cấm của cá nhân, tổ chức đối với nhà giáo.
Theo khoản 1 Điều 11 của dự thảo Luật Nhà giáo, nghiêm cấm các hành vi sau đây:
- Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học, đồng nghiệp và nhân dân
- Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức
- Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, kiểm tra, thi, đánh giá người học
- Xuyên tạc nội dung giáo dục; lợi dụng hoạt động giảng dạy, giáo dục để tuyên truyền các nội dung trái đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật
- Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo dưới mọi hình thức
- Vi phạm đạo đức nhà giáo và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nghiêm cấm tổ chức, cá nhân có các hành vi được quy định tại khoản 2 Điều 11 dự thảo Luật nhà giáo như sau:
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo
- Cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo
- Phân công nhà giáo không đúng với thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng nhà giáo; phân công vượt quá thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật về lao động;
- Phân biệt đối xử giữa những nhà giáo dưới mọi hình thức
- Trả lương không đúng số lượng và thời gian theo hợp đồng nhà giáo; thực hiện không đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định
- Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo.
Như vậy, dự thảo đã đề xuất các hành vi nghiêm cấm đối với nhà giáo. Các quy định này không chỉ bảo vệ quyền lợi của nhà giáo mà còn bảo vệ lợi ích của người học, tạo ra một môi trường giáo dục tích cực và văn minh, an toàn cho nhà giáo hoạt động nghề nghiệp.
Bài được viết theo Dự thảo Luật nhà giáo lần 02 :https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/17/du-thao-luat-nha-giao.pdf
(2) Dự thảo Luật đề xuất chuẩn nhà giáo
Bên cạnh việc đề xuất các hành vi nghiêm cấm đối với nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề xuất chuẩn nhà giáo. Cụ thể tại Điều 13 dự thảo Luật nhà giáo quy định như sau:
Chuẩn nhà giáo là hệ thống phẩm chất, năng lực mà nhà giáo cần đạt được để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong các cơ sở giáo dục, bao gồm các tiêu chuẩn áp dụng cho từng chức danh nhà giáo.
Chuẩn nhà giáo bao gồm các tiêu chuẩn:
- Phẩm chất, đạo đức nhà giáo
- Trình độ đào tạo, bồi dưỡng
- Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
+ Năng lực thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục; kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
+ Kỹ năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ
+ Kỹ năng hoạt động phát triển cộng đồng, phối hợp xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh ở trong và ngoài cơ sở giáo dục
- Nhiệm vụ theo chức danh nhà giáo
- Sức khỏe.
Như vậy, nhà giáo phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo, trình độ chuyên môn, năng lực, sức khỏe theo quy định của pháp luật. Điều này nhằm đảm bảo nâng cao năng lực nghề nghiệp của nhà giáo, xây dựng hệ thống đào tạo chất lượng trong môi trường giáo dục.
Tóm lại, dự thảo Luật Nhà giáo đã đề xuất các hành vi nghiêm cấm đối với nhà giáo và chuẩn nhà giáo nhằm xây dựng hệ thống đào tạo chất lượng trong môi trường giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo Luật Nhà giáo để hoàn thiện dự thảo.
Bài được viết theo Dự thảo Luật nhà giáo lần 02 :https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/17/du-thao-luat-nha-giao.pdf