Về trường hợp của bạn, trước tiên cần phải xác định khoản tiền mà người vợ này gửi tiết kiệm tại ngân hàng là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của hai vợ chồng hay là tài sản riêng của chị vợ (tài sản chung và tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được quy định tại Điều 33 và Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014). Chị vợ phải chứng minh được đây là tài sản riêng của mình thì chị vợ mới có toàn quyền quyết định đối với số tiền tiết kiệm này (bao gồm cả gốc lẫn lãi) nếu có phát sinh tranh chấp xảy ra giữa vợ chồng.
Hiện tại nếu tiền vẫn còn đang tiếp tục gửi tại ngân hàng và chị vợ chứng minh được đây là tài sản riêng của mình thì chị vợ có thể để lại di chúc cho con (trừ trường hợp không may chị mất) thì sau này con chị sẽ được hưởng thừa kế theo di chúc này, còn nếu chị vợ không để lại di chúc thì phần tiền gửi này sẽ được chia theo pháp luật.
Còn nếu tiền gửi này chị vợ không còn gửi tại ngân hàng nữa thì có thể tặng cho con mình. Có như vậy thì mới có cơ sở để người chồng không can thiệp được vào số tiền trên. Còn nếu hiện tại chị vợ mới chỉ ủy quyền cho con gái thì ở đây số tiền này chưa phải của con gái, mà số tiền này chị vợ chỉ mới giao quyền quản lý lại cho con gái mà thôi (vẫn là tài sản của chị vợ).