Mới đây trên các trang báo điện tử đều đưa tin về vụ việc, nam phóng viên quay phim của Đài Truyền hình X đang ghi hình trên vỉa hè đã bị hai người đàn ông xông vào túm cổ áo, đấm đá liên tiếp. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể, pháp luật quy định như thế nào về hành vi đe dọa, hành hung nhà báo khi tác nghiệp? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Được biết, chiều 06/6/2023, nhóm 4 người của Đài Truyền hình gồm: phóng viên, phóng viên quay phim, kỹ thuật và lái xe đi tác nghiệp về thị trường. Tuy nhiên, khi dựng máy trên vỉa hè, phóng viên quay phim bị hai người đàn ông ra đe dọa, chửi bới, túm cổ áo, đạp ngã, đá liên tiếp với thái độ côn đồ. Sự việc chỉ dừng lại khi người dân can ngăn. Nam phóng viên nhập bệnh viện trong tình trạng xây xước tay chân, đầu nhiều vết bầm tím.
Về nạn nhân cho rằng ê-kíp đang ghi hình ở ngoài vỉa hè chứ không chĩa máy quay vào cửa hàng nào.
Pháp luật quy định như thế nào về hành vi hành hung nhà báo, phóng viên tác nghiệp?
Theo Luật Báo chí 2016, một trong những hành vi bị nghiêm cấm, là: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, không ít cá nhân, tổ chức còn xem thường quy định của pháp luật; cố tình cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo khi tác nghiệp, nhất là khi các cơ quan báo chí tích cực vào cuộc, đi đầu, kiên quyết đưa ra ánh sáng những vụ án, những biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo vệ lẽ phải; góp phần thúc đẩy các cơ quan thanh tra, điều tra… xử lý các vụ việc nhanh hơn, bảo đảm đúng pháp luật.
Đặc biệt, khi cơ quan báo chí và phóng viên phát hiện, điều tra, đưa thông tin về các vụ án tham nhũng lớn, hành vi tiêu cực liên quan đến nhóm lợi ích và người “có thế lực”… thì họ càng phải đối mặt với nguy cơ rủi ro, bị cản trở khi tác nghiệp và đe dọa, hành hung, trả thù…
Theo đó, dựa vào những phân tích trên, bất kỳ một hành vi nào xâm phạm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp đều bị xử lý theo quy định pháp luật.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Đối với các quy phạm tương ứng trong Bộ luật Hình sự như: Tội cố ý gây thương tích; Tội giết người; Tội đe dọa giết người; Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; Tội hủy hoại tài sản…theo Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017.
Xử phạt vi phạm hành chính
Nếu hành vi hành hung nhà báo, phóng viên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP) như sau:
Khung 1: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.
Khung 2: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
Khung 3: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp;
- Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
Khung 4: Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại các (2), (3) và (4) mục này;
- Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép đối với hành vi quy định tại (2) mục này.
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng với tổ chức vi phạm, nếu cá nhân có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt bằng ½ mức phạt tổ chức.
(Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 119/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP))
Từ quy định trên, hành vi hành hung nhà báo, phóng viên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt cao nhất đến 100.000.000 đồng với tổ chức vi phạm và cao nhất 50.000.000 đồng với cá nhân vi phạm.