Trong rất nhiều trường hợp, người dân nhận được những cuộc điện thoại với thông báo công an sẽ gửi giấy triệu tập yêu cầu phối hợp điều tra, nhiều người hoang mang vì không biết mình có vị phạm gì. Trên thực tế, đây là một trong số những chiêu trò lừa được sử dụng nhằm mục đích tống tiền người dân. Câu hỏi đặt ra là nếu nhận một giấy triệu tập, dấu hiệu để nhận biết giấy triệu tập thật – giả là gì?
Dấu hiệu phân biệt giấy triệu tập thật - giả - Minh họa
1. Giấy triệu tập là gì?
Giấy triệu tập là loại giấy tờ được ban hành trong thủ tục tố tụng hình sự mang tính chất bắt buộc người bị triệu tập phải có mặt khi cơ quan Nhà nước có thẩm yêu cầu nhằm lấy lời khai, xác minh thông tin liên quan đến một vụ việc nào đó.
2. Dấu hiệu nhận biết giây triệu tập là thật hay giả
Về hình thức:
Phải có đầy đủ quốc hiệu; tiêu ngữ; tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành giấy triệu tập và có đóng dấu của cơ quan đó.
Về nội dung:
Căn cứ theo Điều 185 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, giấy triệu tập phải ghi rõ
- Họ tên, chỗ ở của người làm chứng;
- Giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt,
- Thời gian làm việc,
- Gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Người nhận giây triệu tập cần phải xem xét cẩn thận các thông tin trên và xác định vị trí, vai trò của mình trong vụ án từ đó suy ra những quyền và nghĩa vụ của mình đối với việc bị triệu tập.
Lưu ý: Theo quy định về mặt hình thức, điều này có nghĩa rằng một lời triệu tập hợp pháp phải được gửi đến dưới dạng văn bản, vì vậy việc bị triệu tập qua lời nói hay điện thoại là không có giá trị pháp lý. Mọi người cần hết sức bình tĩnh và không nên tuân theo những lời triệu tập không đảm bảo hình thức.
3. Ai là người có thẩm quyền gửi giấy triệu tập?
Thẩm quyền ban hành giấy triệu tập hiện nay thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng như:
- Cơ quan điều tra,
- Viện kiểm sát,
- Tòa án.
Lưu ý: Căn cứ theo quy định tại điều 4 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 thì hệ thống Cơ quan Điều tra bao gồm: Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân; Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân; Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Nếu người gửi trên giấy triệu tập cho bạn không phải là những đối tượng này, thì khả năng cao là bạn đang cầm một giấy triệu tập giả rồi đấy.
4. Ai là người sẽ nhận giấy triệu tập?
- Bị can, bị cáo (Khoản 3 Điều 61 BLTTHS 2015)
- Người bị hại (Điểm a khoản 4 Điều 62 BLTTHS 2015)
- Đương sự (Điều 63, 64 BLTTHS 2015)
- Người có quyền và nghĩa vụ liên quan; (Điều 66 BLTTHS 2015)
Lưu ý: Người tố giác, báo tin về tội phạm; người bị tố giác; Người bào chữa cũng là những đối tượng sẽ được nhận giấy triệu tập.
Trong giấy triệu tập, bạn cần xem xét mình có thuộc một trong các trường hợp này không để xem xét mình có thuộc đối tượng bị triệu tập không, nếu không thuộc các đối tượng trên mà vẫn bị triệu tập, đây là căn cứ cho thấy rằng đây không phải một giây triệu tập thật.
5. Về việc mời luật sư để hỗ trợ khi làm việc với cơ quan điều tra.
Căn cứ theo Điều 16 và Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trong trường hợp bạn nhận được giấy triệu tập thật và có mong muốn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bản thân, bạn có quyền thuê luật sư tư vấn và hỗ trợ bạn về mặt pháp lý khi làm việc với Cơ quan điều tra.
Trên đây là những dấu hiệu nhận biết giấy triệu tập là thật hay giả cũng những thông tin liên quan đến việc bị triệu tập. Nếu có thắc mắc nào, hãy bình luận xuống bên dưới đề được giải đáp bạn nhé. Xin trân trọng cảm ơn.