Đất ở TPHCM mà đang tiếp giáp 2 mặt tiền thì khi nhà nước công nhận đất ở thì bảng giá đất được tính theo mặt tiền nào?
Tiền sử dụng đất và bảng giá đất là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật đất đai 2013 định nghĩa tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất
Đồng thời căn cứ nguyên tắc tại khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai 2013 quy định Bảng giá đất và giá đất cụ thể như sau:
- Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ.
Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất ít nhất 60 ngày, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi dự thảo bảng giá đất đến cơ quan có chức năng xây dựng khung giá đất xem xét, trường hợp có chênh lệch lớn về giá đất giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo đó có thể hiểu bảng giá đất là bảng tập hợp giá đất của các loại đất theo từng vị trí do UBND cấp tỉnh ban hành sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01/01 của năm đầu kỳ.
Trường hợp nào tính tiền sử dụng đất theo bảng giá đất?
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 114 Luật đất đai 2013 quy định bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:
- Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân;
Theo đó đó bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất trong 02 trường hợp sau:
Thứ nhất, khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức
Thứ hai, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân
Cách tính tiền sử dụng đất theo bảng giá đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức:
Căn cứ Điều 6, 7, 8 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức của hộ gia đình, cá nhân được tính như sau:
Tiền sử dụng đất phải nộp = Giá 01m2 đất trong bảng giá đất x Diện tích được công nhận quyền sử dụng đất trong hạn mức
Lưu ý: Mặc dù có công thức tính tiền sử dụng đất như trên nhưng tùy thuộc vào thời điểm sử dụng đất ổn định mà số tiền phải nộp vào ngân sách khi được cấp Sổ đỏ, Sổ hồng có thể là 100% (nộp đầy đủ) hoặc nộp 50% (nộp ½ số tiền theo công thức trên).
Đất ở TP HCM có 02 mặt tiền khi nhà nước công nhận đất ở thì bảng giá đất được tính theo mặt tiền nào?
Căn cứ tiểu mục 6.2 mục 6 phần I Hướng dẫn 4114/HDLCQ-STNMT-STC-SXD-CT năm 2020 áp dụng bảng giá đất kèm theo Quyết định 02/2020/QĐ-UBND do Sở Tài nguyên và Môi trường - Sở Tài chính - Sở Xây dựng - Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy định đối với đất ở trong trường hợp khu đất, thửa đất có hình thể đặc biệt quy định như sau:
- Khu đất, thửa đất hoặc nhà đất nằm ở vị trí tiếp giáp với nhiều mặt tiền đường thì đơn giá đất được xác định theo đường có đơn giá đất cao nhất.
Theo đó khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức mà đất có 2 mặt tiền thì sẽ tính theo đường có đơn giá đất cao hơn. Đồng thời bảng giá đất tại TPHCM sẽ được quy định cụ thể tại Quyết định 02/2020/QĐ-UBND.