Mới đây, vụ người đẹp Oanh Yến vừa đoạt giải tại cuộc thi Hoa hậu Toàn cầu 2015 đã lăm le bị phạt một lần nữa gây tranh cãi về chuyện cấp phép đi thi hoa hậu quốc tế của luật pháp Việt Nam. Có lẽ đây cũng không phải là chuyện gì quá mới khi mà trước đây đã có một số trường hợp người đẹp đi thi quốc tế và về bị phạt nhưng nếu không đem chuyện này ra mổ xẻ thì chúng ta lại vô tình không thấy được “lỗ hổng” trong pháp luật Việt Nam. Rõ ràng chuyện này thể hiện được sự xung đột giữa thực tế và quy định của pháp luật nước ta, sự xung đột này sẽ còn tồn tại lâu dài nếu không có một hướng giải quyết nào đó tốt hơn.
Hoa hậu quốc tế đã nói gì khi cô ấy bị phạt, tôi xin trích lại nguyên văn lời của người đẹp Oanh Yến.
“Tôi tham dự cuộc thi này với tinh thần thiện nguyện, tự bỏ tiền túi đi thi và đã cố gắng nỗ lực vì màu cờ sắc áo. Khi đến Philippines, tôi thấy nhiều người đẹp cầm cờ quốc gia mà mình quên chuẩn bị nên đã nhờ người thân đi máy bay mang gấp qua đây với một niềm tự hào mãnh liệt là phụ nữ Việt Nam, dù có thể không đoạt được giải gì. May mắn được đăng quang, tôi mong sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ thay vì những lời dè bỉu “gái hai con” cũng thi hoa hậu. Về án phạt này, dù có tủi thân nhưng tôi sẽ chấp nhận đóng phạt. Mọi chuyện tôi sẽ nói rõ với truyền thông sau khi trở về Việt Nam”, tân Hoa hậu toàn cầu chia sẻ
Dù không giấu sự tủi thân khi mọi cố gắng nỗ lực để giành vương miện Hoa hậu toàn cầu 2015 tại Philippines chưa được quê nhà vinh danh đã phải nhận án phạt ‘thi chui’, Hồ Thị Oanh Yến khẳng định cô sẽ đóng phạt theo đúng quy định chứ không né tránh.
Chúng ta nghĩ gì sau lời nói của tân hoa hậu? Tôi xin được đưa ra một số quan điểm của mình như sau:
Thứ nhất, theo như quy định của pháp luật Việt Nam thì người đi dự thi hoa hậu quốc tế phải cần điều kiện “đã đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi người đẹp người mẫu trong nước” thì mới được cấp phép.Chính vì quy định này đã cho thấy một bất cập, thí sinh Oanh Yến đã phải đi thi “chui” vì không hội đủ điều kiện cấp phép và hậu quả là cô bị cơ quan quản lý văn hóa áp dụng hình thức phạt tiền.
Đúng, luật là luật, sai là phải chịu hình phạt. Thế nhưng trong trường hợp này, tính nhân văn của luật pháp dường như đang bị xuống cấp trầm trọng khi đã áp dụng mức phạt đối với người vừa đạt giải Hoa hậu Toàn cầu năm 2015.
Tại sao nhiều người đẹp lại đi thi “chui”? Tại sao họ phải chọn một cách đi thi bất hợp pháp để rồi khi đạt giải về nước lại bị phạt như vậy?
Thực ra chả ai muốn bị phạt. Một người đại diện cho đất nước đi thi, đại diện cho sắc đẹp của Việt Nam đi thi thì đó là một tự hào, không cần gì phải trốn tránh, phải mang tiếng đi thi “chui”. Rõ ràng là có một lý do bất đắc dĩ mà chúng ta cần phải tìm hiểu.
Vậy lý do là gì?
Vâng, chuyện chẳng có gì đáng bàn nếu như các cuộc thi trong nước và các cuộc thi quốc tế có cùng tần số với nhau, và tiêu chí chọn người đẹp của các cuộc thi trong nước cũng tương tự như quốc tế. Thực tế thì không như vậy, chúng ta ai cũng dễ thấy rằng một số người đẹp đạt giải Hoa hậu Việt Nam nhưng khi ra trường thi quốc tế thì lại không sánh nổi với các thí sinh nước bạn.
Do đâu lại có tình trạng này? Vì một chữ TIÊU CHÍ, cuộc thi trong nước với tiêu chí “tầm thường” đã khiến cho nhiều người quay lưng lại với các cuộc thi bản địa. Các cuộc thi trong nước càng chính thống bao nhiêu thì lại càng lệch pha, lệch chiều với các cuộc thi quốc tế bấy nhiêu. Một sự thật phũ phàng là nhiều khi người đó thi trong nước không đạt giải nhưng khi thi các cuộc thi hoa hậu quốc tế thì lại đạt giải, trường hợp của tân hoa hậu Oanh Yến cũng có thể được xem là một trường hợp giống vậy. Vậy sự bất cập của pháp luật đã “hiện hình” từ nguyên nhân này.
Pháp luật vô tình đã tạo ra một rào cản quá lớn đối với những người đẹp đi dự thi quốc tế. Rõ ràng nhiều thí sinh đã rất vất vả khi tham gia các hoạt động quốc tế cũng chỉ vì luật pháp Việt Nam còn nhiều bất cập đến như vậy. Trường hợp của Hoa hậu toàn cầu Oanh Yến năm 2015 không phải là lần đầu tiên, trước đây hoa khôi Phan Thị Mơ khi làm thủ tục dự thi Hoa hậu Trái đất cũng đã gặp vô vàn những khó khăn mà pháp luật đã quy định.
Theo tôi, chính quy định pháp luật của Việt Nam đã tước đoạt đi cơ hội của thí sinh Việt Nam được thi đấu trong trường quốc tế. Bởi lẽ các cuộc thi trong nước thì rất bất cập mà tiêu chí của trong nước và quốc tế thì chẳng có điểm chung nào cả. Chúng ta nên chừa đường cho những thí sinh có duyên với tiêu chí quốc tế.
Nên sửa lại Nghị định 79/2012/NĐ-CP về điều kiện thí sinh dự thi Hoa hậu, Người mẫu ở nước ngoài vì trong thực tế có rất nhiều cuộc thi ở nước ngoài không cần phải là Hoa hậu VN, không cần có giấy phép của chính quyền (như trường hợp của Oanh Yến).
Trần Nguyễn Phước Thông - Trường Đại Học Kinh Tế Luật (ĐHQG TPHCM)
Lớp: K15504 - Luật tài chính-ngân hàng-chứng khoán
Member of Legal Research And Advisory Club (LRAC - Câu lạc bộ nghiên cứu và tư vấn pháp luật)
Cộng tác viên của Thư Viện Pháp Luật ( Contributor of LAWSOFT incorporated company)