Đất có được sau khi kết hôn đều có phải đều là tài sản chung?

Chủ đề   RSS   
  • #614040 13/07/2024

    linhtrang123456
    Top 50
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:02/12/2017
    Tổng số bài viết (2028)
    Số điểm: 14817
    Cảm ơn: 11
    Được cảm ơn 321 lần


    Đất có được sau khi kết hôn đều có phải đều là tài sản chung?

    Tài sản có được sau khi kết hôn là tài sản chung hay tài sản riêng? Việc xác định tài sản sau khi kết hôn như thế nào?

    Đất có được sau khi kết hôn đều có phải đều là tài sản chung?

    Tài sản chung vợ chồng theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

    Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

    Như vậy, không phải tất cả quyền sử dụng đất được phát sinh sau thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng. Đối với quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn bao gồm trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng thì xác định là tài sản riêng, không phải là tài sản chung của vợ chồng. Lưu ý nếu như không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

    Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản riêng

    Đối với tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng xác định là tài sản riêng thì việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng được quy định:

    - Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

    - Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.

    - Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

    - Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.

    Đối với tài sản riêng có được trong thời kỳ hôn nhân thì có quyền nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung theo quy định tại Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Cụ thể:

    - Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

    - Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.

    - Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

    Như vậy, pháp luật hôn nhân và gia đình quy định cụ thể hướng dẫn xác định tài sản chung, tài sản riêng. Đối với tài sản riêng thì vợ/chồng có quyền quyết định về có nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng hay không theo quy định nêu trên.

     

     
    131 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn linhtrang123456 vì bài viết hữu ích
    admin (16/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận