Thi thoảng trong những vụ án đình đám mà các bên tham gia phiên tòa có chức quyền, địa vị, báo chí lại ghi được hình ảnh họ đập bàn, la lối ngay tại phiên xét xử trước thẩm phán, viện kiểm sát, và những người có mặt tại Tòa. Thực tế hành vi này có thể bị phạt hành chính và thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đập bàn, gây rối tại phiên tòa - Minh họa
Điều 391 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS) quy định hành vi "Gây rối trật tự phiên tòa" được hiểu là hành vi thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thành viên Hội đồng xét xử, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản tại phiên tòa nếu không thuộc trường hợp "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản".
Tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (cụ thể là Điều 256) có quy định về Nội quy phiên tòa, theo đó mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.
Tuy nhiên trên thực tế, việc tuân thủ nội quy phiên tòa của người tham gia còn có nhiều hạn chế, vẫn còn xảy ra tình trạng gây mất trật tự tại phiên tòa, cá biệt có nhiều trường hợp có hành vi "Gây rối trật tự phiên tòa", xúc phạm, hành hung Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa, phiên họp. Việc xử lý đối với những hành vi này đôi khi vẫn còn nhiều hạn chế do các quy định pháp luật về thủ tục xử lý, thẩm quyền xử lý còn chưa thực sự rõ ràng.
Tại Điều 467 Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định:
“1. Người vi phạm nội quy phiên tòa thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự phiên tòa.
3. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự.
4. Quy định tại Điều này cũng được dụng đối với người có hành vi vi phạm tại phiên họp của Tòa án”.
Bộ Công an cũng ban hành Thông tư 13/2016/TT-BCA Quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng Công an nhân dân (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 117/2020/TT-BCA). Trong đó có nêu rõ nguyên tắc, nhiệm vụ, trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng Công an nhân dân.
Nếu hành vi gây rối tại tòa chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:
Theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống, chống bạo lực gia đình thì hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa, nơi thi hành án hoặc hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động xét xử, thi hành án thì có thể bị xử phạt hành chính.
Cụ thể là bị xử phạt mức tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng tùy vào tính chất và mức độ của hành vi gây rối.