Danh xưng 'nghệ sĩ' là do Nhà nước công nhận hay khán giả công nhận?

Chủ đề   RSS   
  • #571356 17/05/2021

    vankhanhnhu
    Top 200
    Female
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:10/11/2020
    Tổng số bài viết (445)
    Số điểm: 8732
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 536 lần


    Danh xưng 'nghệ sĩ' là do Nhà nước công nhận hay khán giả công nhận?

    Nghệ sĩ có phải một danh xưng do nhà nước công nhận?

    Nghệ sĩ có phải một danh xưng do Nhà nước công nhận? - Minh họa

    Đồng ý rằng tất cả các ngành nghề đều có giá trị cốt lõi và mang lại lợi ích cho xã hội, tuy nhiên một số ngành, nghề lại được Nhà nước quản lý, điều hành chặt chẽ bằng hệ thống quy định pháp lý cụ thể. Chính vì sự khắt khe trong tiêu chuẩn hành nghề mà người hoạt động trong các lĩnh vực này nhận sự ưu ái, kính trọng nhất định trong xã hội. Liệu nghề "nghệ sĩ" có nằm trong số đó?

    1. Nghệ sĩ có phải chức danh, chức vụ trong xã hội?

    Hằng ngày, ngoài những từ ngữ mà vừa nghe qua chúng ta đã biết được nghề nghiệp của họ như bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, luật sư,… Chúng ta vẫn thường nghe những từ ngữ chỉ danh phận của một người như Giám đốc, Chủ tịch, Trưởng phòng, Thủ trưởng, Bộ trưởng,…

    Cần phải nói rằng không có một văn bản pháp luật quy định cụ thể định nghĩa chức danh, chức vụ, tuy nhiên dựa vào bản chất của những cách gọi trên, mình xin tạm chia thành hai nhóm:

    - Nhóm “chức danh” chỉ công việc của một người trong lĩnh vực nhất định, gắn liền với công việc và chuyên môn công tác của họ. Chẳng hạn chức danh bác sĩ gắn với ngành y, chức danh luật sư gắn với ngành luật, chức danh giáo viên gắn với ngành giáo dục…

    Chức danh không nhất thiết phải gắn liền với một cơ quan, tổ chức, bởi lẽ tất cả những người mang chức danh hoàn toàn có thể hoạt động độc lập. Tuy nhiên, để có thể được gọi bằng những chức danh này, phần lớn đều phải được công nhận, cấp bằng, chứng chỉ hành nghề, hoặc ít nhất là được xã hội công nhận.

    - Nhóm “chức vụ” chỉ một vị trí gắn liền với “nhiệm vụ”, bởi lẽ để biết chức vụ của một người, ta cần biết họ đang công tác, làm việc trong tập thể nào, cơ quan nào. Chẳng hạn nếu không có một công ty thì không có Giám đốc, không có Chủ tịch, nếu không có một cơ quan (hoặc hệ thống cơ quan) nhà nước thì sẽ không có người được gọi là Thủ trưởng, Bộ trưởng.

    Một người có chức danh sẽ đồng thời có chức vụ nếu họ công tác trong một tập thể, một cơ quan nào đó có phân chia cấp bậc, nhiệm vụ rõ ràng.

    Tiếp theo, ta quay trở lại với danh từ nhân xưng “nghệ sĩ”. Có thể thấy rằng khi nói về nghệ sĩ, bạn hoàn toàn không thể chỉ ra rõ họ làm việc trong lĩnh vực nào, có chăng bạn chỉ biết rằng họ sẽ lấy việc “biểu diễn” một loại hình nghệ thuật nào đó để làm công việc chính.

    Người đi hát cũng được gọi là nghệ sĩ, diễn kịch (bi, hài) cũng gọi là nghệ sĩ, diễn viên truyền hình, điện ảnh cũng gọi là nghệ sĩ, thậm chí diễn xiếc cũng gọi là nghệ sĩ, ra công viên hát cũng có thể gọi là nghệ sĩ, tham gia một chương trình thực tế xong, người bình thường cũng trở thành nghệ sĩ. Cá biệt hơn, có người chỉ lên mạng đăng video thường xuyên cũng dần được gọi là nghệ sĩ!!

    Đúng là có rất nhiều trường học được thành lập để đào tạo người biểu diễn nghệ thuật, tuy nhiên kể cả khi bạn không xuất thân từ những cơ sở đào tạo này, bạn vẫn hoàn toàn có thể được gọi là nghệ sĩ!

    Như vậy, ở một góc độ nào đó thì danh xưng "nghệ sĩ" cũng có thể coi là một chức danh, tuy nhiên điều này phải gắn liền với việc "được đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ" hoặc "được xã hội công nhận". Nếu vậy, những "người làm nghề biểu diễn" không được đào tạo qua trường lớp, không có một chuyên môn nghiệp vụ nhất định chỉ có thể trở thành "nghệ sĩ' nếu được xã hội nhìn nhận mà thôi!

    2. Việc trở thành nghệ sĩ khác gì so với trở thành luật sư, bác sĩ, giáo viên?

    Cần phải hiểu rằng, để được trở thành bác sĩ, luật sư, giáo viên,... thực tế ngoài việc được đào tạo chuyên môn, chúng ta cần phải được nhà nước thẩm định xem có đủ tư cách đề hành nghề hay không.

    Chẳng hạn, tại Điều 10 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012) thì tiêu chuẩn trở thành luật sư là:

    "Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư."

    Tiếp đó, Điều 11 Luật này cũng quy định:

    "Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư."

    Như vậy, để được trở thành Luật sư thì phải có Chứng chỉ hành nghề!

    Đối với nghề Bác sĩ, Khoản 6 Điều 2 Luật Khám, chữa bệnh 2009 có quy định:

    "Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người đã được cấp chứng chỉ hành nghề và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là người hành nghề)."

    Một lần nữa, chúng ta lại thấy sự xuất hiện của "chứng chỉ hành nghề". 

    Đối với nghề giáo viên, thậm chí nếu muốn trở thành một giáo viên dạy ở các trường công lập, bạn còn cần phải thi tuyển viên chức để được có biên chế nhất định (đây là một tên gọi chỉ những người làm việc dưới sự quản lý, điều hành trực tiếp bởi nhà nước).

    Sau đó, quay trở lại với nghề "nghệ sĩ" nếu bạn đang đặt câu hỏi "nghệ sĩ" có cần phải có chứng chỉ hành nghề không - thì câu trả lời chắc chắn sẽ là KHÔNG. Đó là lý do dù bạn là ai, đang làm công việc gì trong xã hội, bạn vẫn  hoàn toàn có thể trở thành nghệ sĩ.

    Văn bản điều chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn cụ thể nhất đang có hiệu lực là Nghị định 144/2020/NĐ-CP. Trong văn bản này có những định nghĩa sau:

    Hoạt động nghệ thuật biểu diễn là hoạt động tạo ra những sản phẩm nghệ thuật được định hình dưới dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh để truyền đạt trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện kỹ thuật tới công chúng dưới các hình thức biểu diễn nghệ thuật; lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật.

    Biểu diễn nghệ thuật là hoạt động thể hiện các loại hình nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu hoặc kết hợp giữa loại hình nghệ thuật biểu diễn với trình diễn thời trang, các hoạt động văn hoá, thể thao.

    Theo các định nghĩa trên, theo đúng tinh thần của pháp luật thì "nghệ sĩ" sẽ gọi là " cá nhân tham gia biểu diễn nghệ thuật" hoặc ngắn gọn là Người biểu diễn nghệ thuật.

    Mặc dù văn bản này có nhiều quy định cấm dành cho đối tượng này, tuy nhiên chúng ta không hề có một quy định pháp luật nào ràng buộc người "biểu diễn nghệ thuật" phải đáp ứng một tiêu chuẩn nhất định về chuyên môn!

    Mặt khác, tại Thông tư 10/2019/TT-BVHTTDL có quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung và hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh và mỹ thuật do, tuy nhiên phải làm rõ văn bản này chỉ quản lý những người là "viên chức" - gắn liền với những đơn vị sự nghiệp công lập liên quan tới nghệ thuật.

    Cao cấp hơn, để được công nhận là "Nghệ sĩ nhân dân" hay "Nghệ sĩ ưu tú", người hành nghề biểu diễn cần đáp ứng những yêu cầu nhất định, có đóng góp nhất định cho xã hội (những văn bản quy định nội dung này bao gồm: Nghị định 89/2014/NĐ-CPNghị định 40/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 89). Tuy nhiên những văn bản này cũng không đưa ra quy chuẩn để trở thành một "nghệ sĩ" thông thường!

    Như vậy, muốn trở thành "nghệ sĩ" dưới góc độ pháp luật và được Nhà nước công nhận, bạn cần hoạt động nghệ thuật trong một khoảng thời gian nhất định và đáp ứng những yêu cầu được Nhà nước đề ra.

    Còn lại, nếu bạn vẫn đang được gọi là "nghệ sĩ" trong xã hội, bạn phải hiểu rằng chính danh xưng đó có được là nhờ khán giả và sự quan tâm, chú ý, thậm chí là sự anti (sự không ủng hộ) của họ!

    Cập nhật bởi vankhanhnhu ngày 17/05/2021 04:48:34 CH
     
    6942 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn vankhanhnhu vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (17/05/2021)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận