Đánh giá hợp quy đối với cơ sở thu mua, bảo quản để kinh doanh sữa tươi nguyên liệu

Chủ đề   RSS   
  • #616771 25/09/2024

    Đánh giá hợp quy đối với cơ sở thu mua, bảo quản để kinh doanh sữa tươi nguyên liệu

    Việc đánh giá hợp quy sữa tươi nguyên liệu đối với các cơ sở thu mua, bảo quản để kinh doanh sữa tươi nguyên liệu được quy định tại QCVN 01-186:2017/BNNPTNT

    1/ Đánh giá hợp quy

    Căn cứ quy định tại Mục 1.3 Phần 1 QCVN 01-186:2017/BNNPTNT thì “Sữa tươi nguyên liệu trong quy chuẩn này là sữa nguyên chất dạng lỏng thu được từ bò, trâu, dê, cừu, chưa bổ sung hoặc tách bớt bất cứ thành phần nào của sữa, chưa xử lý qua bất kỳ phương pháp nào, được dùng làm nguyên liệu để chế biến”.

    Căn cứ quy định tại Khoản 3.1.2 Mục 3.1 Phần 3 QCVN 01-186:2017/BNNPTNT thì các cơ sở thu mua, bảo quản để kinh doanh sữa tươi nguyên liệu phải thực hiện đánh giá chứng nhận theo Phương thức 1 - Thử nghiệm mẫu điển hình được quy định tại Chương I Phụ lục II Thông tư 28/2012/TT-BKHCN. Theo đó, việc đánh giá sự phù hợp theo phương thức 1 cụ thể như sau:

    Phương thức 1 - Thử nghiệm mẫu điển hình của sản phẩm, hàng hóa để kết luận về sự phù hợp. Kết luận về sự phù hợp có giá trị đối với kiểu, loại sản phẩm, hàng hóa đã được lấy mẫu thử nghiệm.

    (1) Nội dung và trình tự thực hiện các hoạt động chính trong Phương thức 1 bao gồm:

    1. Lấy mẫu:

    Tiến hành lấy mẫu điển hình cho sản phẩm, hàng hóa. Mẫu điển hình của sản phẩm, hàng hóa là mẫu đại diện cho một kiểu, loại cụ thể của sản phẩm, hàng hóa được sản xuất theo cùng một dạng thiết kế, trong cùng một điều kiện và sử dụng cùng loại nguyên vật liệu.

    Số lượng mẫu phải đủ cho việc thử nghiệm và lưu mẫu.

    2. Đánh giá sự phù hợp của mẫu thử nghiệm:

    Mẫu sản phẩm, hàng hóa được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm đã đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo quy định của pháp luật, có thể bao gồm cả phòng thử nghiệm của nhà sản xuất. Ưu tiên sử dụng phòng thử nghiệm được chỉ định và được công nhận.

    Các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa cần thử nghiệm và phương pháp thử nghiệm được quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng

    3. Xử lý kết quả đánh giá sự phù hợp:

    Xem xét các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa qua kết quả thử nghiệm mẫu so với yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

    4. Kết luận về sự phù hợp

    Kết luận về sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa so với yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Sản phẩm, hàng hóa được xem là phù hợp nếu tất cả các chỉ tiêu của mẫu thử nghiệm phù hợp với mức quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

    (2) Nguyên tắc sử dụng Phương thức 1

    Phương thức 1 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa với các điều kiện sau:

    - Thiết kế của sản phẩm, hàng hóa cho phép xác định rõ sản phẩm, hàng hóa theo từng kiểu, loại đặc trưng;

    - Không tiến hành xem xét được các yêu cầu đảm bảo duy trì ổn định chất lượng.

    2/ Quy định về việc công bố hợp quy

    Theo quy định tại Mục 1.2 QCVN 01-186:2017/BNNPTNT quy định rằng: QCVN 01-186:2017/BNNPTNT được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa tươi nguyên liệu có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam và các cơ quan có liên quan.

    Như vậy, căn cứ quy định tại Mục 3.2 Phần 3 QCVN 01-186:2017/BNNPTNT thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa tươi nguyên liệu có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam và các cơ quan có liên quan phải công bố hợp quy đối với sữa tươi nguyên liệu phù hợp với các quy định tại QCVN 01-186:2017/BNNPTNT và đăng ký hợp quy tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nơi tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh.

    Việc đăng ký hợp quy được thực hiện theo quy định tại các Điều 12 đến Điều 16 Chương 3 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN.

     

     
    65 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận