Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải có lý lịch trong sạch và được thẩm định khá gắt gao. Vậy Đảng viên có được theo đạo hoặc là kết hôn với người theo đạo không?
Đảng viên có được theo đạo không?
Theo khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đảng 2011 quy định công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng.
Đồng thời, theo điểm b Tiểu mục 3.4 Mục 3 Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2021 quy định về nội dung thẩm tra, xác minh lý lịch như sau:
- Đối với người vào Đảng: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
- Đối với người thân: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được nhà nước quy định tại Điều 24 Hiến pháp 2013, cụ thể như sau:
- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Theo đó, quy định hiện hành tại Điều lệ Đảng 2011 và các văn bản liên quan không quy định về tôn giáo của đảng viên. Theo đó, đảng viên vẫn có thể theo đạo, tuy nhiên phải là các đạo (tôn giáo) hợp pháp và đã được nhà nước công nhận.
Đảng viên có được kết hôn với người theo đạo không?
Tương tự với điều kiện về lý lịch đảng viên, tại Điều lệ Đảng 2011 và các văn bản liên quan cũng không có quy định về tôn giáo của người kết hôn với đảng viên.
Theo khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Như vậy, đảng viên vẫn được kết hôn với người theo đạo nếu đáp ứng các điều kiện kết hôn và không vi phạm các trường hợp cấm kết hôn. Tuy nhiên, tương tự với đảng viên thì người đảng viên kết hôn cũng phải theo các đạo hợp pháp đã được nhà nước công nhận.
Những hành vi nào của đảng viên là vi phạm trong hôn nhân?
Theo Điều 51 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 quy định về vi phạm quy định hôn nhân và gia đình như sau:
- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
+ Can thiệp việc kết hôn, ly hôn hoặc để con tảo hôn.
+ Trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con, lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên.
+ Cản trở người không trực tiếp nuôi con được thăm con sau khi ly hôn (trừ trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền thăm con theo quyết định của toà án).
+ Trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ giám hộ sau khi đã làm thủ tục công nhận giám hộ tại cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật.
+ Sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giả mạo giấy tờ để đăng ký nuôi con nuôi.
+ Không đăng ký kết hôn hoặc đang có vợ (chồng) nhưng vẫn sống chung với người khác như vợ, chồng.
+ Vi phạm pháp luật về mang thai hộ.
- Trường hợp đã kỷ luật khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
+ Vi phạm việc sửa chữa, làm sai lệch nội dung hoặc giả mạo giấy tờ để đăng ký kết hôn.
+ Thiếu trách nhiệm, xác nhận không đúng tình trạng hôn nhân dẫn đến người khác đăng ký kết hôn không hợp pháp hoặc trái quy định.
+ Khai gian dối hoặc có hành vi lừa dối khi đăng ký kết hôn hoặc cho, nhận nuôi con nuôi; có con với người khác khi đang có vợ hoặc chồng.
- Trường hợp có các vi phạm như hình thức khiển trách và cảnh cáo nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
+ Vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, gây dư luận xấu trong xã hội.
+ Ép buộc vợ (chồng), con làm những việc trái đạo lý, trái pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Từ chối thực hiện, không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
Như vậy, các hành vi trên của đảng viên là vi phạm quy định trong hôn nhân, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà đảng viên có thể bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc nặng nhất là bị khai trừ ra khỏi Đảng.