Không góp vốn điều lệ đủ, đúng hạn phải chịu chế tài gì? - Minh họa
Vài ngày qua, một số diễn đàn, trang báo ở Việt Nam xôn xao trước tin một doanh nghiệp vừa được thành lập có số vốn điều lệ lên đến 500.000 tỷ đồng. Ngoài thắc mắc về thực hư của câu chuyện, vụ việc còn khiến một số cơ quan nhà nước phải gửi văn bản yêu cầu những đơn vị có liên quan theo dõi, giám sát vụ việc.
Câu hỏi đặt ra trong tình huống này là: Liệu một người đăng ký vốn điều lệ “trên trời”, sau đó không đóng đủ, đúng hạn số tiền đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) thì có bị xử lý gì hay không?
Trước hết, về nguyên tắc, pháp luật không giới hạn cả mức tối thiểu và mức tối đa khi đăng ký doanh nghiệp. Có rất nhiều doanh nghiệp được lập ra chỉ với mức vốn điều lệ 1 triệu đồng. Điều bất lợi duy nhất đối với những doanh nghiệp như vậy là khi giao dịch với đối tác, làm việc với các cơ quan nhà nước thì chủ doanh nghiệp sẽ rất khó nhận được sự tin tưởng!
Tuy nhiên, trong một số ngành, nghề, pháp luật có quy định mức vốn điều lệ tối thiểu, gọi là những ngành nghề yêu cầu mức vốn pháp định để hoạt động. Chẳng hạn đối với các Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm phải ký quỹ 300 triệu đồng để được cấp giấy phép (Điều 14 Nghị định 23/2021/NĐ-CP), đối với ngành kinh doanh BĐS thì mức vốn pháp định là 20 tỷ đồng (Điều 03 Nghị định 76/2015/NĐ-CP)
Ngoài ra, hiện này không có văn bản quy phạm pháp luật nào giới hạn mức vốn điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp (và với tất cả các loại hình kinh doanh).
Tuy nhiên, pháp luật có quy định cụ thể về thời gian thực hiện nghĩa vụ góp vốn sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ở các Điều 47, 75, 113 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định thời gian cụ thể để hoàn thành nghĩa vụ góp vốn (đối với công ty TNHH) và thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua (đối với công ty cổ phần) trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp GCNĐKDN.
Hết thời hạn này, có quy định xử phạt nếu người góp vốn không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Quy định tại Khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP như sau:
“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.”
Biện pháp xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm này là “Buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp”
Những quy định nêu trên có nghĩa, nếu bạn không thực hiện đúng các nghĩa vụ góp vốn theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bao gồm đóng đúng hạn, đủ số vốn đã đăng ký) thì bạn buộc phải thay đổi nội dung đăng ký cho đúng với phần bạn đã thực hiện.
Chẳng hạn, bạn đăng ký thành lập doanh nghiệp với mức vốn điều lệ 500.000 tỷ, nhưng sau 90 ngày kể từ ngày được cấp GCNĐKKD bạn chỉ gom góp được 1 tỷ tiền vốn, bạn phải làm thủ tục thay đăng ký điều chỉnh để trên GCNĐKKD không còn ghi thông tin về mức vốn điều lệ 500.000 tỷ nữa.
Nếu không thực hiện theo quyết định xử phạt hành chính, bạn sẽ bị cưỡng chế theo quy định của Pháp luật cho đến khi thực hiện nghĩa vụ!