Chào bạn,
Theo tôi thì bạn nên về nơi đăng ký thường trú ở Hải Dương để đăng ký khai sinh cho con bạn sẽ thuận lợi hơn. Vì nếu muốn đăng ký khai sinh cho con tại nơi đăng ký tạm trú thì ngoài điều kiện "thực tế đang sinh sống tại Hà Nội" bạn còn phải đảm bảo điều kiện "làm việc ổn định và sinh con tại Hà Nội".
Tuy nhiên bạn có thể liên hệ Ủy ban nhân dân phường, xã nơi bạn đăng ký tạm trú để trình bày trường hợp của mình và nhờ họ hướng dẫn thủ tục giúp bạn.
Xin trích lại nội dung đã trả lời trước đây:
- Thẩm quyền đăng ký khai sinh theo nơi người mẹ cư trú:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 và Khoản 1 Điều 13 Nghị định số158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ và Thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 02/06/2008 hướng dẫn thực hiện Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch do Bộ Tư pháp ban hành, thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em phải được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã), nơi người mẹ đăng ký thường trú; trường hợp người mẹ không có nơi đăng ký thường trú, thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú.
Trường hợp người mẹ có nơi đăng ký thường trú, nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Ví dụ: Bạn đăng ký thường trú tại xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, nhưng làm việc ổn định và sinh con tại nơi đăng ký tạm trú là phường Tân Tạo, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, thì Uỷ ban nhân dân phường Tân Tạo cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho con của bạn).
Trong trường hợp này, Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh có trách nhiệm thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký thường trú để biết. Cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Đăng ký khai sinh theo nơi tạm trú của người mẹ”.
- Thời hạn đi khai sinh và trách nhiệm khai sinh:
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em.
- Thủ tục đăng ký khai sinh:
1. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
2. Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
3. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
- Xác định họ và quê quán:
Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ.
Trong trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không có quyết định công nhận việc nhận cha cho con, thì họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người mẹ.
- Ghi về nơi sinh:
Trường hợp trẻ sinh tại cơ sở y tế, thì ghi tên của cơ sở y tế và địa danh hành chính nơi trẻ sinh ra (Ví dụ: Bệnh Viện Phụ sản Từ Dũ hoặc Trạm y tế phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh).
Trường hợp trẻ sinh ngoài cơ sở y tế, thì ghi tên của địa danh hành chính (xã/phường/thị trấn, huyện/quận/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố), nơi trẻ sinh ra (Ví dụ: phường Tân Tạo, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh).
Hy vọng nội dung trình bày ở trên sẽ giải đáp phần nào thắc mắc của bạn,
Nếu có điều chi chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm bạn vui lòng liên lạc qua địa chỉ email: lsgiadinh@gmail.com
Thân mến chào bạn,
_____________________
Luật sư Phạm Hiếu Nghĩa
Văn phòng Luật sư Legal Việt Nam