Đang khởi kiện đòi nợ mà người bị kiện mất thì có bị mất tiền?

Chủ đề   RSS   
  • #604453 02/08/2023

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2016 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Đang khởi kiện đòi nợ mà người bị kiện mất thì có bị mất tiền?

    Khởi kiện là biện pháp cuối cùng mà người cho mượn tiền, tài sản phải thực hiện để có thể lấy lại số tiền của mình cũng như tiền lãi suất phát sinh trong thời gian cho mượn nếu có. Tuy nhiên, trong quá trình kiện mà người bị kiện mất thì xử lý ra sao?
     
    dang-khoi-kien-doi-no-ma-nguoi-bi-kien-mat-thi-co-bi-mat-tien
     
    1. Xử lý thế nào khi bị đơn mất trong quá trình tố tụng?
     
    Căn cứ Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (có sửa đổi bởi Luật Doanh nghiệp 2020) quy định việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng như sau:
     
    - Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.
     
    - Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức đó được xác định như sau:
     
    + Trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng.
     
    + Trường hợp cơ quan, tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp,doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ  thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó hoặc đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức tiếp nhận các quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó tham gia tố tụng.
     
    + Trường hợp tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì cá nhân, tổ chức tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó tham gia tố tụng.
     
    - Trường hợp thay đổi chủ sở hữu của tổ chức và có việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho chủ sở hữu mới thì chủ sở hữu mới kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.
     
    - Trường hợp tổ chức được chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự thì tổ chức đó kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.
     
    - Trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự mà người đại diện đang tham gia tố tụng chết thì tổ chức đó phải cử người khác làm đại diện để tham gia tố tụng; nếu không cử được người đại diện hoặc tổ chức đó phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể thì các cá nhân là thành viên của tổ chức đó tham gia tố tụng.
     
    Do đó, trường hợp bị đơn mất mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.
     
    2. Ai sẽ là người thừa kế tài sản bị đơn khi mất?
     
    Trường hợp nếu bị đơn có di chúc cụ thể chỉ định người hưởng thừa kế thì người này sẽ thay bị đơn tiếp tục hầu tòa và thực hiện nghĩa vụ trả tiền đã vay. Trường hợp không có di chúc thì theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
     
    - Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
     
    - Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
     
    - Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
     
    Lưu ý:  Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
     
    3. Có tiếp tục giải quyết vụ kiện đòi nợ khi bị đơn mất?
     
    Cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Tòa án sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có căn cứ sau đây:
     
    - Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;
     
    - Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.
     
    Sau khi đình chỉ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 214 Bộ luật Dân sự 2015 không còn thì Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự và gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp.
     
    Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự hết hiệu lực kể từ ngày ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án kể từ khi ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.
     
    Như vậy, quyền lợi của nguyên đơn sẽ không bị mất khi bị đơn qua đời, số tiền nợ sẽ được chuyển tiếp qua cho người thừa kế theo di chúc (nếu có) hoặc những người trong cùng hàng thừa kế theo pháp luật.
     
    887 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    admin (11/09/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận