Đăng bài viết của người khác lên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?

Chủ đề   RSS   
  • #616887 27/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20048
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 442 lần


    Đăng bài viết của người khác lên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?

    Trong thời đại số, việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội trở nên phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng việc đăng bài viết của người khác lên mạng xã hội có thể vi phạm pháp luật.

    (1) Bài viết có phải là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả không?

    Theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi năm 2009), các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

    - Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

    - Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

    - Tác phẩm báo chí;

    - Tác phẩm âm nhạc;

    - Tác phẩm sân khấu;

    - Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

    - Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

    - Tác phẩm nhiếp ảnh;

    - Tác phẩm kiến trúc;

    - Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

    - Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

    - Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

    Theo đó, nếu bài viết thuộc dạng tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình hay các tác phẩm báo chí,...do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác thì sẽ được bảo hộ quyền tác giả.

    (2) Đăng bài viết của người khác lên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?

    Theo quy định tại Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định, quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

    Do đó, khi sao chép, lấy bài viết được bảo hộ quyền tác giả đăng lại trên mạng xã hội, thì tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng, sao chép bài viết đó phải được sự đồng ý của tác giả, đồng thời có thể phải chi trả tiền bản quyền và các chi phí khác cho tác giả khi sử dụng bài viết đó.

    Trường hợp tự ý đăng lại bài viết mà không được sự đồng ý của tác giả, không dẫn nguồn của bài viết thì tổ chức, cá nhân đăng lại, sao chép lại bài viết đó đã vi phạm pháp luật về xâm phạm quyền tác giả và sẽ bị xử phạt hành chính.

    (3) Vi phạm xâm phạm quyền tác giả bị xử phạt thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

    Đồng thời, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

    Như vậy, việc đăng bài viết của người khác lên mạng xã hội không chỉ đơn thuần là hành động chia sẻ thông tin. Nó liên quan đến các quy định pháp luật về bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ.

    Để tránh vi phạm, người dùng nên xin phép tác giả trước khi chia sẻ hoặc đảm bảo rằng nội dung chia sẻ là công khai và không vi phạm quyền lợi của người khác. Điều này không chỉ bảo vệ bản thân mà còn tôn trọng công sức sáng tạo của người khác.

     
    74 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận