Trong thời gian vừa qua, theo báo cáo đến từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy đối tượng rút BHXH 1 lần có độ tuổi trẻ ngày càng nhiều hơn, điều này gây bất lợi cho người lao động (NLĐ).
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn hoặc bất đắc dĩ thì NLĐ mới rút BHXH 1 lần, việc này làm giảm cơ hội nhận lương hưu khi đến độ tuổi nghỉ hưu. Vậy, NLĐ có được tham gia lại BHXH khi đã rút BHXH 1 lần?
1. Trường hợp nào NLĐ được rút BHXH 1 lần?
- Thứ nhất, đã đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
- Thứ hai, lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đã đủ tuổi nghỉ hưu mà khi nghỉ việc chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
- Thứ ba là ra nước ngoài để nhập cư, định cư lâu dài.
- Đang mắc một trong những bệnh mãn tính như: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS… Theo quy định của Bộ Y tế.
- Công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Ngoài ra, nếu NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH 1 lần.
2. Đã rút BHXH 1 lần có được tham gia lại?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cũng bao gồm cả NLĐ là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ.
Hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Do đó, không có quy định nào cho rằng NLĐ đã rút và hưởng trợ cấp BHXH 1 lần thì sẽ không được tham gia lại BHXH nữa, miễn người tham gia lại phải đáp ứng được các điều kiện tham gia hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên.
3. Cách tham gia BHXH sau khi đã rút BHXH 1 lần
Hiện nay, đối với những người đã rút BHXH 1 lần thì vẫn có thể tiếp tục tham gia BHXH theo 02 cách dưới đây:
Cách 1. Tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 liệt kê tới 12 đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc như người làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn, không xác định thời hạn, theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 – 12 tháng.
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, nếu chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu thì người lao động nên tiếp tục làm việc để tham gia BHXH tại cơ quan, đơn vị nơi mình làm việc.
Cách 2. Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Trường hợp không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì người lao động có thể lựa chọn đóng BHXH tự nguyện với mức đóng do chính mình lựa chọn và phương thức đóng đa dạng (hàng tháng, hàng năm hoặc 03 tháng, 06 tháng một lần).
Mặc dù NLĐ vẫn được tham gia lại BHXH sau khi đã rút BHXH 1 lần, tuy nhiên điều này không được khuyến khích cho những lao động không thực sự cần gấp số tiền trợ cấp đó, vì nó có thể ảnh hưởng đến số năm đã tham gia BHXH trước đó và lương hưu sau này, vì thế cần cân nhắc kỹ trước khi rút BHXH 1 lần.