Ngày 19/4, Công an TP.HCM thông tin, vừa triệt phá một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân ở nhiều địa phương trên cả nước thông qua dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền (COD) quy mô lớn. Như vậy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ phải đối mặt với những mức án nào?
Thông tin thêm về vụ việc
Ngày 19/4, Lê Đức Kông và vợ Nguyễn Thị Hồng Nhung, Bá Võ Tuấn cùng 3 người khác bị Công an Quận 11 bắt về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan đến vụ án, gần 50 người khác đang bị điều tra về vai trò, hành vi, dấu hiệu phạm tội.
Công an Quận 11 xác định 3 kẻ chủ chốt, cầm đầu đường dây là: Lê Đức Kông (SN 1989, nơi ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân), Nguyễn Thị Hồng Nhung (vợ của Kông, SN 1989) và Bá Võ Tuấn (SN 1981, ngụ chung cư Richstar 1, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú).
3 người giúp sức tích cực gồm: Tăng Huệ Phụng (SN 1993, ngụ Phường 2, Quận 11), Nguyễn Ngọc Liêm (SN 2003, ngụ phường Tân Thành, quận Tân Phú), Lê Xuân Cường (SN 1994, ngụ phường Tân Thành, quận Tân Phú). Đặc biệt, Cơ quan điều tra phát hiện còn có khoảng 50 người, chủ yếu là trẻ tuổi liên quan đến hoạt động lừa đảo trên.
Cụ thể, vợ chồng Kông và Tuấn thuê nhiều căn hộ cùng hàng chục nhân viên, phân chia nhiệm vụ lừa đảo. Họ dùng điện thoại có kết nối các đầu số ảo để cho nhân viên gọi điện bằng tổng đài ảo.
Các nhân viên sẽ gọi cho những người trong danh sách số điện thoại, xưng là người của doanh nghiệp, trung tâm thương mại, sàn giao dịch, nhãn hàng nổi tiếng... thông báo họ là "một trong những khách hàng may mắn" đã trúng thưởng xe máy, điện thoại hoặc sản phẩm có giá trị khác. Tuy nhiên, để có thể nhận phần quà này, khách phải "tích đủ điểm" bằng cách mua các mặt hàng tại trung tâm, hoặc đóng một số loại phí.
Sau khi tạo đơn hàng, nhóm sẽ đóng gói những sản phẩm giá trị thấp; dùng dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền (COD) gửi cho khách, chiếm đoạt số tiền chênh lệch. Khi nạn nhân nhận hàng, trả tiền hoặc đóng "chi phí nhận quà", tùy trường hợp sẽ "đẻ" ra các yêu cầu khác, hoặc các loại phí khác, dụ họ chuyển thêm tiền. Đến khi người dân không còn khả năng đóng thêm, chúng sẽ cắt liên lạc. Do số điện thoại là ảo, nên các nạn nhân không thể liên lạc lại, đồng thời gây khó khăn cho cảnh sát trong quá trình xác minh.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ phải đối mặt với mức án nào?
Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2027 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ phạm tội mà người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến chung thân.
Quy định về xử lý người chủ mưu và đồng phạm trong vụ án hình sự
Theo điểm c Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015 quy định nguyên tắc xử lý vụ án hình sự là nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.
Đồng thời, theo Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, quy định về đồng phạm như sau:
- Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
- Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
- Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
+ Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
+ Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
+ Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
+ Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
- Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
Như vậy, nguyên tắc xử lý vụ án hình sự là phải nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy phạm tội. Đồng thời, người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm cũng được cho là đồng phạm trong vụ án.