Mới đây, sự việc một tài xế đánh lái “xuất thần” cứu 2 nữ sinh trước ngưỡng cửa của thần chết đang gây được sự chú ý từ cộng đồng, sự việc xảy ra đánh thức sự “ngủ quên” của con người khi tham gia giao thông đồng thời không quên giành những lời khen ngợi cho tài xế.
Sau vụ tai nạn, nhiều câu hỏi được đưa ra về: trách nhiệm của các bên liên quan bao gồm chủ xe, tài xế và hai nữ sinh với thiệt hại về tài sản sẽ được xử lý như thế nào? Trách nhiệm hình sự có được đặt ra?
Cùng phân tích vụ việc để thấy được những trách nhiệm của các bên
* Đối với tài xế:
Nhằm tránh thiệt hại về tính mạng của 2 nữ sinh, tài xế đã thực hiện “bẻ lái” và gây hậu quả cho tài sản là 2 chiếc ô tô đậu bên vỉa hè và chiếc xe tải của chủ mà tài xế đang cầm lái để đổi lại tính mạng cho hai nữ sinh. Hành vi của tài xế thuộc trường hợp tình thế cấp thiết có thể loại trừ trách nhiệm hình sự theo đúng Điều 23 Bộ luật Hình sự 2015 và Điều 171 Bộ luật Dân sự 2015 sẽ không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản nếu gây thiệt hại trong tình thế câp thiết. Trường hợp trên, sẽ được miễn nghĩa vụ nếu được cơ quan điều tra xác định không có lỗi tại thời điểm trên theo trường hợp tình thế cấp thiết. Và trách nhiệm bồi thường sẽ được quy về người gây ra tình thế cấp thiết hoặc thuộc về cơ quan bảo hiểm và chủ xe.
Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra xác định dấu hiệu lỗi trong quá trình tham gia giao thông về tốc độ, phương tiện hay có nồng độ cồn, khoảng cách an toàn với xe đi trước,…của tài xế thì ngoài việc bồi thường trách nhiệm dân sự, tài xế còn đối mặt với trách nhiệm hình sự với án treo đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 260 BLHS 2015. Nhưng xét về tình, thì chủ xe nên có trách nhiệm liên đới nếu tài xế có lỗi trong tình huống này.
* Đối với chủ xe:
Xét về vụ việc trên, phương tiện được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ quy định tại Điều 601 BLDS 2015 về bồi thường thiệt hại cho hành vi của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra trong tình thế cấp thiết hoặc sự kiện bất khả kháng.
Theo đó, chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu đã giao cho tài xế chiếm hữu, sử dụng thì tài xế sẽ bồi thường. Trong trường hợp tài xế lái thuê và trả tiền công có hợp đồng lao động thì chủ xe phải đứng ra bồi thường. Sau đó, chủ xe có quyền yêu cầu tài xế có lỗi trong việc gây thiệt hại sẽ phải hoàn trả số tiền theo quy định tại Điều 600 BLDS 2015. Cơ quan bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp chủ xe và tài xế không có lỗi. Tuy nhiên, việc chi trả nằm trong gói bảo hiểm đã mua và những thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, số còn lại sẽ do chủ xe chi trả. Hoặc trong trường hợp xác định lỗi của người gây ra tình thế cấp thiết thì cá nhân đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Như vậy, cần xác định hình thức sở hữu, giao xe và hợp đồng cụ thể giữa các bên để xác định trách nhiệm có liên quan.
* 2 nữ sinh có phải chịu trách nhiệm?
Theo thông tin từ những người chứng kiến thì nguyên nhân vụ tai nạn là do hai cô gái lái xe máy của mình vượt chiếc xe máy phía trước, tuy nhiên không vượt được mà vướng phải đuôi xe rồi ngã ra đường.
Trường hợp cơ quan điều tra xác định hai nữ sinh không có lỗi trong quá trình tham gia giao thông thì việc bồi thường trách nhiệm hai nữ sinh vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm vì là đối tượng gây ra tình thế cấp thiết.
Quan sát kỹ, có thể thấy va chạm đuôi sau xe máy là phía bên phải, nếu muốn vượt thì bấy nhiêu cũng đủ vi phạm luật giao thông đường bộ, trong khi trước đó còn một chiếc ô tô. Sau cú va chạm, hai cô gái đã bỏ đi, đây là hành vi đáng chê trách, trách nhiệm đáng làm lúc này là cứu giúp người bị bạn, dù cố tình hay vô ý, hành vi này cũng sẽ bị quy vào trốn tránh trách nhiệm có thể bị xử lý hành chính hoặc nặng hơn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Cần xác định nguyên nhân xảy ra va chạm là do hạ tầng, phương tiện điều khiển, hay do hành vi vi phạm điều khiển phương tiện gây ra,… nếu có lỗi cô gái (hoặc người lái) sẽ là người chịu trách nhiệm toàn bộ về cả dân sự và hình sự.
Tất cả cũng chỉ là giả thuyết khi chưa có kết luận điều tra. Giả thuyết của bạn như thế nào về tính trách nhiệm của các bên có liên quan?