Đang đi ngoài đường bỗng có một chạy ngang qua giật mất cái điện thoại bạn đang cầm trên tay. Ai cũng hô hoán: "Cướp!". Liệu bạn có nhẫm lẫn giữa cướp và cướp giật?
Căn cứ theo quy định của Bộ Luật Hình sự 1999, cướp và cướp giật được hiểu như sau:
-
Cướp tài sản: là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.
-
Cướp giật tài sản: là hành vi công khai, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát. Thông thường hành vi cướp giật tài sản hay xảy ra với các tài sản nhỏ, gọn dễ di chuyển như điện thoại, ví tiền, dây chuyền, túi xách...
Hành vi cướp tài sản có đối tượng tác động là nhân thân và tài sản của nạn nhân. Trong khi đó, cướp giật chỉ hướng tới đối tượng là tài sản.
Việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong tội cướp tài sản phải mang tính quyết liệt, làm tê liệt ý chí chống cự của nạn nhân. Người phạm tội có thể xâm hại tới tính mạng, sức khỏe của nạn nhân nhưng đó không phải là mục đích mà người phạm tội hướng tới.
Khi thực hiện hành vi cướp giật, người phạm tội không có ý muốn tác động đến nhân thân của nạn nhân. Cái họ nhắm tới là tài sản. Hành vi được thực hiện là nhanh chóng lấy đi và việc lấy đi là công khai, không che dấu.
Ví dụ minh họa:
Khi A đang đi trên đường bị B là một tên nghiện hút kề dao vào cổ A, đe dọa bắt đưa tiền, nếu không sẽ dùng dao dâm chết. A vì quá hoảng sợ đã đưa toàn bộ tiền cho B. Hành vi của B là cấu thành tội cướp tài sản.
Trong trường hợp khác, A đang đi trên đường, B đi cùng chiều với A. Thấy trên cổ A có sợi dây chuyền vàng. B nhanh chóng áp sát, giật lấy sợi dây chuyền rồi tẩu thoát. A vì quá hoảng sợ đã té xuống đường dẫn đến tử vong.
Vậy B phạm tội gì? B đã nhanh chóng, công khai giật lấy sợi dây chuyền của A, sau đó nhanh chóng tẩu thoát. B không có hành vi cố ý tác động tới nhân thân người phạm tội. Việc A té ngã là do quá hoảng sợ, không phải do A cố ý tác động. Cho nên hành vi của B là cướp giật tài sản.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý trong trường hợp chuyển hóa tội danh. Nếu như người thực hiện tội cướp giật tài sản dùng vũ lực để giữ bằng được tài sản thì tội danh sẽ chuyển hóa thành tội cướp tài sản.
Cụ thể, B giật sợi dây chuyền của A nhưng A giữ được sợi dây nên không bị mất. B đã dùng chai xịt hơi cay tấn công A nhằm giành lấy sợi dây chuyền. Hành động của A không còn là tội cướp giật tài sản mà trở thành tội cướp tài sản.
Minh Trang.