Câu ca dao “Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười” có nghĩa là gì? Miệt thị ngoại hình người khác bị xử phạt như thế nào?
“Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười” là gì?
Trước tiên, "cười" trong câu ca dao này được hiểu là hành vi cười cợt, chê bai, mỉa mai, hả hê khi thấy người khác gặp khó khăn, hoạn nạn. Ngoài thái độ cười cợt, mỉa mai người khác, một số người còn dùng những lời lẽ châm chọc, thêm bớt từ ngữ, biến câu chuyện trở nên không đúng sự thật, nhằm hạ thấp, bôi nhọ người được nhắm đến.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng, bản thân mình vào một lúc nào đó cũng sẽ rơi vào những tình cảnh khó khăn, khốn đốn và có thể cũng sẽ bị người khác cười cợt, mỉa mai.
Chính vì thế, câu ca dao “Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười” khuyên răn chúng ta phải biết tôn trọng người khác, không được kinh thường bất cứ ai nhất là khi họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Vì bất cứ ai trong cuộc sống này cũng sẽ có lúc rơi vào tình cảnh khó khăn, rơi vào những tình huống éo le.
Thay vì có thái độ hả hê, hài lòng trước tình cảnh của người khác, chúng ta nên có thái độ đồng cảm, không phán xét.
Liên hệ câu ca dao trên với quy định của pháp luật, hành vi chê bai, miệt thị ngoại hình người khác có thể bị xử lý theo quy định, cụ thể:
Miệt thị ngoại hình người khác bị xử lý ra sao?
Miệt thị người khác được hiểu là những hành động bằng ngôn ngữ như đánh giá, phán xét, chê bai ác ý về vẻ bề ngoài của một người nào đó. Miệt thị ngoại hình người khác tùy từng trường hợp có thể bị xử lý như sau:
* Xử phạt vi phạm hành chính
Hành vi miệt thị ngoại hình người khác nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể:
- Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
- Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình.
Lưu ý: theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân vi phạm, đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
* Truy cứu trách nhiệm hình sự
Người có hành vi miệt thị người khác dẫn đến nhân phẩm, danh dự của họ bị xúc phạm nghiêm trọng nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Cụ thể, các khung hình phạt của tội làm nhục người khác như sau:
Khung hình phạt 1: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Khung hình phạt 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Đối với 02 người trở lên;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Đối với người đang thi hành công vụ;
- Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
- Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Khung hình phạt 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Làm nạn nhân tự sát.
* Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tóm lại, câu da dao “Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười” nhắc nhở chúng ta rằng không nên cao ngạo, khinh thường, chê bai người khác dù bản thân mình là ai, đang ở vị trí nào trong xã hội. Một trong số đó là không được có hành vi miệt thị ngoại hình người khác.
Miệt thị ngoại hình người khác không chỉ là hành vi sai trái, khiến người khác tổn thương mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.