Công ty vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông yêu cầu Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông bồi thường lô hàng 72 chiếc xe môtô STAR ...

Chủ đề   RSS   
  • #263409 23/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Công ty vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông yêu cầu Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông bồi thường lô hàng 72 chiếc xe môtô STAR ...

    Số hiệu

    21/2007/KDTM-ST

    Tiêu đề

    Công ty vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông yêu cầu Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông bồi thường lô hàng 72 chiếc xe môtô STAR đã phát cháy trên đường vận chuyển tại Bình Định

    Ngày ban hành

    05/03/2007

    Cấp xét sử

    Sơ thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng chuyên biệt, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được đưa ra các sản phẩm, các điều kiện bảo hiểm trên cơ sở Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản có liên quan. Cụ thể đối với bị đơn trong vụ kiện này, bị đơn đã đưa ra mẫu đơn yêu cầu bảo hiểm để nguyên đơn điền vào nội dung yêu cầu. Sau đó, phía bị đơn xác nhận chấp nhận yêu cầu đó và giao lại cho nguyên đơn – bên được bảo hiểm.

    Theo quy trình nêu trên thì thời điểm bị đơn ký đóng dấu chấp nhận vào đơn có nội dung yêu cầu của nguyên đơn chính là thời điểm giao kết hợp đồng. Do đó, thấy cần dựa trên cơ sở điều kiện thời gian bảo hiểm tại đơn yêu cầu để xác định thời điểm giao kết hợp đồng là 11h00’ ngày 20.12.2004.

    Phía bị đơn cho rằng: Khoảng 11h10’, bị đơn mới nhận được điện thoại của nguyên đơn xin mua bảo hiểm. Thời gian này lô xe 72 chiếc STAR đã phát cháy trong Bình Định. Như vậy phía nguyên đơn có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm, ngoài ra, xe mô tô là hàng hoá nguy hiểm vì trong xe có chứa xăng...


    Bản án số21/2007/KDTM-ST Ngày: 5.3.2007

    V/v: Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

    Ngày 5.2.2007 tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử công khai sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số91/2006/TLST-KDTM ngày 12 tháng 10 năm 2006 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 18/2007/QĐST ngày 05 tháng 2 năm 2007 giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Công ty cổ phần vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông

    Trụ sở: 83A Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm , Hà Nội

    Do ông: Phạm Tuấn Minh đại diện theo uỷ quyền.

    (Có mặt)

    Bị đơn Công ty cổ phần bảo hiểm viễn đông

    Trụ sở : 46 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh

    Do ông: Thái Văn Cách đại diện theo giấy uỷ quyền số 153 ngày 23.12.2005

    (Có mặt)

    Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Nguyễn Huy Thắng - Đoàn Luật sư Hà Nội (có mặt)

    Nhận thấy

    1. Tại đơn khởi kiện đề ngày 17.5.2005, Công ty vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông là nguyên đơn trình bày:

    Ngày 20.12.2004, nguyên đơn được bị đơn – Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông – Chi nhánh tại Hà Nội cấp đơn bảo hiểm hàng hoá vận chuyển số 04/01/KD2/91130/0011 - để Công ty mua bảo hiểm cho lô hàng 72 chiếc xe máy nguyên chiếc, mới 100% mà nguyên đơn vận chuyển cho khách hàng từ Đồng Nai đến Hà Tây. Trên đường vận chuyển đến địa phận xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, lô hàng đã bị tổn thất hoàn toàn do cháy vào thời điểm sau 11 giờ 00’ cùng ngày 20.12.2004.

    Nguyên đơn đã yêu cầu bị đơn – Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông thanh toán bồi thường trị giá lô hàng đã được bảo hiểm là 916.363.656 đồng nhưng bị đơn không chấp nhận.

    Nay nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán trả nguyên đơn các khoản sau:

    - Tiền bảo hiểm 916.363.656 đồng

    - Lãi chậm trả theo quy định

    2. Phía bị đơn không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn từ chối bồi thường với các lý do:

    - Người được bảo hiểm đã vi phạm Điều 55 quy tắc bảo hiểm hàng hoá vận chuyển trong lãnh thổ. Cụ thể: xếp hàng sai quy cách an toàn về “hàng hoá nguy hiểm” khi vận chuyển - đó là còn để xăng trong xe máy và bịt thùng xe tải kín quá.

    - Hợp đồng (đơn bảo hiểm) được giao kết (được bên được bảo hiểm nhận) vào 11 giờ 00’ ngày 20.12.2004. Tại thời điểm này tài sản được bảo hiểm không còn tồn tại vì tổn thất đã xảy ra trước 11 giờ 00’ ngày 20.12.2004.

    Tại phiên toà hôm nay nguyên đơn xác định giữ yêu cầu đề nghị Toà án giải quyết buộc bị đơn bồi thường tổn thất theo “Hợp đồng” bảo hiểm với số tiền 916.363.565 đồng và 233.580.000 đồng lãi do chậm trả từ 1.1.2005. Ngoài ra, không còn yêu cầu nào khác.

    Phía nguyên đơn chứng minh trách nhiệm bồi thường bảo hiểm thuộc phía bị đơn với các tài liệu chứng cứ gồm:

    + Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 20.12.2004. Nội dung đơn đã thể hiện hợp đồng được giao kết trước 11 giờ.

    + Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 20.12 và bổ sung ngày 27.12.2004 của cơ quan Công an tỉnh Bình Định.

    + Báo cáo số 161 ngày 20.12.2004 của trực ban Công an tỉnh Bình Định.

    + Bản kết luận nguyên nhân vụ cháy số 11/BKL – PC23 ngày 19.1.2005 của Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Bình Định.

    + Công văn số 43/PC23 ngày 7.3.2005 của Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Bình Định.

    Tại phiên toà, bị đơn vẫn giữ quan điểm từ chối bồi thường với các lý do:

    - Tổn thất đã xảy ra trước 11 giờ 00’ ngày 20.12.2004, vào thời điểm hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực đối tượng được bảo hiểm đã không còn tồn tại. Căn cứ để bị đơn đưa ra quan điểm này là:

    + Phía nguyên đơn nhận đơn bảo hiểm có xác nhận của bị đơn sau 11 giờ 00’ ngày 20.12.2004 theo báo cáo của nhân viên phía bị đơn.

    + Công văn số24/CV-CSĐTTP về trật tự xã hội ngày 14.1.2005 của Công an huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định.

    + Công văn số 117/CSĐT (PC14) ngày 3.9.2005 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định.

    Bị đơn xác định văn bản như khám nghiệm hiện trường, bản kết luận giám định, bản kết luận nguyên nhân vụ cháy, công văn số 43/PC23 mà nguyên đơn đã trình bày cũng là những tài liệu có giá trị pháp lý, cần được tôn trọng.

    - Nguyên đơn đã vi phạm Điều 5.5 quy tắc bảo hiểm các bên đã viện dẫn trong đơn bảo hiểm.

    xét thấy

    I. Về tư cách tham gia tố tụng của các bên:

    1. Công ty vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông là doanh nghiệp nhà nước, được thành lập theo Quyết định số 617/QĐ/TCCB-LĐ ngày 5.4.1993, số 2053/QĐ/TCCB-LĐ ngày 6.8.1996 và3139/QĐ-TCCB-LĐ ngày 26.11.1996 của Bộ giao thông vận tải.

    Công ty có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 111639 do Sở kế hoạch và đầu tư Hà Nội cấp ngày 29.4.1993, thay đổi lần thứ 15 ngày 9.12.2004, ngành nghề kinh doanh của công ty là kinh doanh vận tải và đại lý vận tải … giao nhận hàng hoá… Đại diện pháp nhân công ty là Tổng giám đốc.

    Công ty vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông có nhiều đơn vị thành viên, trong đó có Xí nghiệp vận tải và đại lý là đơn vị hạch toán phụ thuộc công ty. Xí nghiệp được hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hoá… theo quy chế ban hành kèm theo quyết định 660/QĐ/TC-HC ngày 29.9.2004 của công ty và đăng ký kinh doanh của Xí nghiệp số 306697 ngày 13.3.197 do Sở kế hoạch và đầu tư Hà Nội cấp.

    2. Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông là doanh nghiệp cổ phần hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, được thành lập và hoạt động theo giấy phép số23/GP-KDBH ngày 7.11.2003 của Bộ Tài chính. Giấy phép điều chỉnh ngày 24.2.2005, đại diện công ty là Tổng giám đốc.

    Quy tắc bảo hiểm hàng hoá trong lãnh thổ Việt Nam của công ty đã được đăng ký tại Bộ Tài chính.

    3. Trên cơ sở điều kiện về tư cách pháp lý của hai bên như trên, phía nguyên đơn đại diện là Tổng giám đốc đã ký đơn khởi kiện là phù hợp quy định của pháp luật.

    Đơn yêu cầu bảo hiểm được Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông – Chi nhánh tại Hà Nội cấp đã quy định việc “thanh toán bồi thường tại Hà Nội”.

    Ngày 17.5.2005, bên “được bảo hiểm” có đơn khởi kiện tại Toà án nhân dân thành phố Hà Nội. Phía bị đơn – bên bảo hiểm đồng ý tham gia tố tụng tại Toà án Hà Nội và không có ý kiến gì về thẩm quyền của Toà án. Do đó, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý giải quyết vụ tranh chấp là phù hợp với điểm i khoản 1 Điều 29 và Điều 36 khoản 1 điểm b Bộ luật tố tụng dân sự. Và thời điểm nguyên đơn khởi kiện vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 30 Luật kinh doanh bảo hiểm, Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự.

    Xác định thời gian có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm:

    Căn cứ nội dung đơn yêu cầu bảo hiểm của nguyên đơn theo mẫu do bị đơn phát ra, ngày 20.12.2004 bị đơn đã đồng ý nhận bảo hiểm cho lô hàng của nguyên đơn vận chuyển là 72 chiếc xe hiệu STAR nguyên chiếc 100%, với quãng đường vận chuyển từ kho VMEP Đồng Nai đến kho VMEP Hà Tây. Số tiền được bảo hiểm là 916.363.656 đồng. Điều kiện bảo hiểm theo quy tắc bảo hiểm hàng hoá vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam và không bảo hiểm cho mọi rủi ro xảy ra trước 11h00 ngày 20.12.2004. Tỷ lệ bảo hiểm là 0,1% đã bao gồm VAT với số tiền phải nộp là 916.000 đồng.

    Nguyên đơn xác định đơn bảo hiểm đã được bị đơn chấp nhận trước 11h00’ ngày 20.12.2004.

    Phía bị đơn cho rằng: Khoảng 11h10’, bị đơn mới nhận được điện thoại của nguyên đơn xin mua bảo hiểm. Thời gian này lô xe 72 chiếc STAR đã phát cháy trong Bình Định. Như vậy phía nguyên đơn có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm.

    Ngoài lời trình bày trên, phía bị đơn cũng xác định không có tài liệu nào khác ngoài báo cáo của nhân viên của mình.

    Hội đồng xét xử xét thấy: Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng chuyên biệt, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được đưa ra các sản phẩm, các điều kiện bảo hiểm trên cơ sở Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản có liên quan. Cụ thể đối với bị đơn trong vụ kiện này, bị đơn đã đưa ra mẫu đơn yêu cầu bảo hiểm để nguyên đơn điền vào nội dung yêu cầu. Sau đó, phía bị đơn xác nhận chấp nhận yêu cầu đó và giao lại cho nguyên đơn – bên được bảo hiểm.

    Theo quy trình nêu trên thì thời điểm bị đơn ký đóng dấu chấp nhận vào đơn có nội dung yêu cầu của nguyên đơn chính là thời điểm giao kết hợp đồng. Do đó, thấy cần dựa trên cơ sở điều kiện thời gian bảo hiểm tại đơn yêu cầu để xác định thời điểm giao kết hợp đồng là 11h00’ ngày 20.12.2004.

    Về việc xác định thời điểm xảy cháy:

    Phía nguyên đơn căn cứ các tài liệu dưới đây khẳng định vụ cháy xảy ra sau 11h00’ ngày 20.12.2004.

    - Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 20.12.2004.

    - Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 20.12.2004 và bổ xung ngày 27.12.2004 của Công an tỉnh Bình Định.

    - Báo cáo số 161 ngày 20.12.2004 của trực ban Công an tỉnh Bình Định.

    - Bản kết luận nguyên nhân cháy số11/BKL-PC23 ngày 19.1.2005 của Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy – Công an tỉnh Bình Định.

    - Công văn số 43/PC 23 ngày 7.3.2005 Công an tỉnh Bình Định.

    Phía bị đơn căn cứ các tài liệu dưới đây khẳng định vụ cháy xảy ra trước 11h00’ ngày 20.12.2004:

    - Xác nhận ký tên đóng dấu vào đơn bảo hiểm sau 11h00’ ngày 20.12.2004 theo báo cáo của nhân viên.

    - Công văn số24/CV-CSĐTTP về trật tự xã hội ngày 14.1.2005 của Công an huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định.

    - Công văn số 117/CSĐT (PC 14) ngày 3.9.2005 của Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Định.

    Hội đồng xét xử thấy: Công văn số24/CV-CSĐTTP về trật tự xã hội ngày 14.1.2005 của Công an huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định xác định thời điểm cháy xe ô tô 29S-1059 xảy ra trước 11h00’ ngày 20.12.2004 chỉ là suy diễn không có căn cứ. Vì theo báo cáo ngày 20.12.2004 của chính Trưởng công an huyện Phù Mỹ lại khẳng định lúc 11h15’ ngày 20.12.2004 trên quốc lộ 1A thuộc Trà Lương, Mỹ Trinh, Phù Mỹ xe ô tô 29S – 1059 do Phan Thành Nhân điều khiển bị phát cháy.

    Hai văn bản này của cùng cơ quan phát hành ra lại có thời gian xác định thời điểm cháy khác nhau nên không có cơ sở để xác định tính chính xác của công văn 24.

    Ngày 6.12.2006, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định uỷ thác thu thập chứng cứ số171/QĐ-UTTA cho Toà án nhân dân tỉnh Bình Định để tiến hành thu thập chứng cứ với yêu cầu sau:

    + Xác định chính xác thời điểm xảy cháy xe ô tô mang biển kiểm soát 29S – 1059 vào ngày 20.12.2004 tại địa phận xã Mỹ Trinh, Phù Mỹ, Bình Định thông qua cơ quan chuyên môn và tiến hành thực hiện nghiệm tại hiện trường.

    + Tiến hành lấy lời khai của Hà Văn Phương trú tại thôn Trà Lựa, Mỹ Trinh, Phù Mỹ, Bình Định là người biết việc đến trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bình Định để xác định thời điểm phát hiện cháy và gọi điện báo cháy cho cơ quan Phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Định.

    Thực hiện quyết định uỷ thác thu thập chứng cứ số171/QĐ-UTTA; Toà án nhân dân tỉnh Bình Định đã báo gọi và lấy lời khai của ông Hà Văn Phương là người biết việc. Đồng thời có công văn số115/2007/CV-TA ngày 10.1.2007 gửi Toà án nhân dân thành phố Hà Nội để phúc đáp với nội dung “riêng việc thông qua cơ quan chuyên môn và tiến hành thực nghiệm tại hiện trường Toà án nhân dân tỉnh Bình Định không thể thực hiện được”.

    Vì vậy, Hội đồng xét xử căn cứ vào lời khai của ông Hà Văn Phương và ông Phan Thành Nhân và các công văn của Công an tỉnh Bình Định để xác định thời điểm xảy cháy.

    Theo lời khai của ông Hà Văn Phương – Chủ quán cơm Phương Hoa khi nhìn thấy xe bốc khối từ xe ô tô cách quán cơm của ông 100m, ông đã gọi điện thoại báo cho cảnh sát Phòng cháy chữa cháy.

    Theo lời khai của ông Phan Thành Nhân – lái xe 29S – 1059: Khi phát hiện phía đằng sau xe có khói không màu, không mùi, xe của anh cách quán cơm Phương Hoa khoảng 150m đến 200m. Anh cho xe chạy với tốc độ khoảng 50km đến 60km/h để đến quán cơm Phương Hoa có nước chữa cháy.

    Như vậy, xét tốc độ xe và quãng đường từ khi phát cháy đến quán cơm Phương Hoa, xe chạy khoảng 01 phút. Hơn nữa, theo xác minh của Công an tỉnh Bình Định thì nhận được tin báo cháy qua điện thoại lần 1 là 11h03’6’’, lần hai là 11h06’7’’ ngày 20.12.2004. Theo quy định tại điều 32 Luật phòng cháy chữa cháy, thông tin báo cháy bằng hiệu lệnh hoặc bằng điện thoại. Điều 41 khoản 2 quy định: Cảnh sát phòng cháy chữa cháy có trách nhiệm lập hồ sơ vụ cháy, đánh giá hậu quả vụ cháy, tham gia khám nghiệm hiện trường và xác định nguyên nhân gây ra cháy.

    Tại bản kết luận số11/BKL-PC23 ngày 19.1.2005 đã ghi nhận “hồi 11h10’ ngày 20.12.2004 đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hoài Nhân thuộc Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Định nhận tin báo cháy xảy cháy ô tô biển kiểm soát 29S-1059”.

    Như vậy, có đủ cơ sở để khẳng định 72 chiếc xe máy STAR được vận chuyển trên ô tô biển kiểm soát 29S-1059 xẩy cháy sau 11h00’ ngày 20.12.2004.

    Xét yêu cầu của bị đơn, 72 chiếc xe máy STAR được vận chuyển trên xe ô tô biển kiểm soát 29S-1059 là hàng hoá nguy hiểm vì trong xe máy có chứa xăng.

    Tại biên bản làm việc ngày 8.12.2006 giữa Toà án nhân dân thành phố Hà Nội với nhà máy VMEP Đồng Nai là đơn vị sản xuất 72 chiếc xe máy STAR được vận chuyển từ nhà máy VMEP Đồng Nai đến VMEP Hà Tây trên xe ô tô biển kiểm soát 29S-1059 là xe mới 100% hoàn hoàn không có xăng. Căn cứ Nghị định số13/2003/NĐ-CP ngày 19.2.2003 của Chính phủ thì xe máy không phải là hàng hoá nguy hiểm.

    Như vậy Lời đề nghị của Bị đơn cho rằng 72 chiếc xe máy STAR được vận chuyển trên xe ô tô biển kiểm soát 29S-1059 trong xe máy có chứa xăng là hàng hoá nguy hiểm vi phạm điều 5.5 quy tắc bảo hiểm để từ chối bồi thường bảo hiểm là không có căn cứ.

    Từ những nhận định trên, thấy cần chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả phí bảo hiểm 916.363.656 đồng và 233.580.000 đồng tiền lãi phát sinh từ ngày 01.01.2005 đến ngày xét xử sơ thẩm với lãi suất 1%/tháng.

    Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

    Bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 28.149.934 đồng.

    Vì các lẽ trên.

    Quyết định

    Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 29; điểm b khoản 1 Điều 36; khoản 1 Điều 131; Điều 245 Bộ luật tố tụng dân sự.

    Căn cứ điều 15, điều 30 Luật kinh doanh bảo hiểm.

    Căn cứ Điều 15, 19 Nghị định 70/CP ngày 12.6.1997 của Chính phủ quy định về lệ phí, án phí Toà án.

    Căn cứ điểm 1 mục III Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19.6.1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn việc thi hành án về tài sản.

    Xử:

    1. Chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông.

    2. Đơn bảo hiểm hàng hoá vận chuyển số 04/01/KD2/91139/0011 ngày 20.12.2004 có hiệu lực.

    3. Buộc Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông chi trả cho Công ty vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông số tiền bảo hiểm là 916.363.656 đồng và 233.580.000 đồng tiền lãi. Tổng cộng 1.149.943.656 đồng (một tỷ, một trăm bốn mươi chín triệu, chín trăm bốn mươi ba nghìn sáu trăm năm sáu đồng).

    Kể từ khi án có hiệu lực, Công ty vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông có đơn yêu cầu thi hành án mà Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông chưa trả hết số tiền trên thì hàng tháng Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông còn phải chịu lãi suất theo mức lãi suất tín dụng quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa trả cho đến khi trả xong.

    4. Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

    5. án phí:

    - Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông chịu 28.149.943 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

    - Công ty vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông được hoàn lại 13.000.000 đồng dự phí đã nộp tại biên lai thu tiền số 7168 ngày 27.5.2005 của Phòng thi hành án thành phố Hà Nội.

    án xử công khai, có mặt đại diện hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn vắng mặt khi tuyên án.

    Nguyên đơn có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

    Bị đơn có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt án./.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 23/05/2013 09:50:14 SA
     
    5350 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận